ĐƯỜNG LÊN XỨ LẠNG

ĐƯỜNG LÊN XỨ LẠNG
Vào những ngày cuối năm này tôi lại có dịp lên Lạng Sơn cùng với những người bạn thân của lớp (cái tên lớp gần giống với mật danh của điệp viên 007 mà tôi đã có dịp giới thiệu với các bạn trong những chuyến đi trước, lớp A 118 thân yêu của chúng tôi)

Lạng Sơn - tỉnh biên giới phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 160km và giáp với các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang.
Chiếc xe đưa chúng tôi đi vào đất Lạng Sơn, một bức tranh thủy mặc hiện ra làm ta bất chợt liên tưởng đến câu ca “đường lên xứ Lạng quanh quanh; non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Con đường ngoằn ngoèo xuyên qua những dãy núi đá cao, vách núi gần như dựng đứng, những nơi nào có đất đều được trồng na (mãng cầu), những đám na bạt ngàn; từ trên đỉnh núi có những sợi dây cáp được nối xuống xa xa ngoài chân núi, mới nhìn tựa như quả núi này được neo lại bởi mấy sợi dây cáp. Anh Cương lớp trưởng cho biết những sợi cáp này được người dân sử dụng để vận chuyển hàng hóa, mỗi khi thu hoạch, những bao quả được đưa xuống theo mấy sợi dây cáp này.

 

Gần giữa trưa chúng tôi mới đến cửa khẩu Tân Thanh, nhưng vừa bước chân xuống xe tôi muốn quay lên xe lại ngay vì trời quá rét. Cái rét thấu xương của miền biên giới phía Bắc làm cả người run lên, sau nhiều phút thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, lúc này mới để ý nhìn qua phía bên kia cửa khẩu Tân Thanh là đất Trung Quốc, bên phải sát cửa khẩu là một quả núi thật to, bên trái một tòa nhà sừng sững, nơi cửa khẩu thưa thớt người qua lại; bên này là chợ Tân Thanh, một “thiên đường” mua sắm tại Miền Bắc với những trung tâm thương mại sầm uất thu hút hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước đổ về mỗi ngày. Khu vực mua sắm rộng hơn 10ha với 4 trung tâm thương mại lớn là Hồng Kông, Thế giới phụ nữ, Việt - Trung và Tân Thanh.

Chúng tôi hòa vào dòng người mua sắm, tham quan các quầy hàng được trưng bày rực rỡ, qua rất nhiều gian hàng nhưng rất khó tìm thấy một sản phẩm nào của nhà sản xuất Việt Nam bán tại đây; mặt hàng phổ biến nhất là quần áo và hàng điện tử. Hàng hóa tại chợ Tân Thanh vừa nhiều, vừa rẻ nên rất hấp dẫn người mua; nơi đây thật sự là “Thiên đường” mua sắm. Tôi đã từng đi chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Đông Ba ở Huế, mỗi chợ có một nét văn hóa đặc trưng riêng. Ở đây để mua được hàng với giá rẻ cũng phải trải qua một quá trình gian nan vất vả là trả giá; với kinh nghiệm của người đi trước truyền lại, hàng hóa ở đây bán với giá bằng 1/3 hoặc 1/2 giá phát ra. Khi mua một cái radio đọc được thẻ nhớ nhìn rất bắt mắt được phát giá 360 ngàn, tôi chỉ trả có 200 ngàn; cầm radio đi rồi mà không biết mình mua đắt hay rẻ; người bạn đi cùng mua máy sáy tóc với giá 70 ngàn mặc dù được phát giá 220 ngàn đồng. Đặc biệt hàng điện tử vô cùng rẻ, điện thoại I phone 5 chỉ 600 ngàn đồng, mẫu mã không khác gì điện thoại I phone 5 chính hãng.

Từ chợ Tân Thanh quay về thành phố Lạng Sơn khoảng 20km, buổi trưa được chuẩn bị trước ở nhà hàng Lạng Sơn với rau xanh ngọt lịm, vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng… nhưng không khí không được sôi nổi lắm vì mọi người còn mệt vả lại bữa trưa hơi trễ, trong khi thời tiết lại quá rét.

Thời gian không có nhiều, chúng tôi tranh thủ đến chợ Đông Kinh, chợ Đông Kinh Là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố Lạng Sơn, với 3 tầng, tầng 1 bán đồ điện tử, tầng 2 bán hàng tạp hóa, tầng 3 bán hàng thời trang. Vừa đến cổng chợ cảnh tượng trước mắt là những bà mẹ người dân tộc, với nét khắc khổ hằn trên gương mặt, ngồi bán sản phẩm thu hái được từ thiên nhiên như mật ong, côn trùng, thuốc nam… Một thoáng lướt qua, tôi nhận thấy người dân tộc ở đây gian truân nhiều, cuộc sống còn phụ thuộc vào thiên nhiên, lao động chủ yếu là dựa vào sức lực của đôi tay; nét chất phác, hiền hòa ẩn trong từng đôi mắt. Mãi suy nghĩ, tôi va vào hai người phụ nữ đi ngược ra đang mang theo nhiều hàng hóa mua được với vẻ mặt hớn hở. Rất nhiều người gánh rau cải ngồng, hạt dẻ, tắc ngọt mời gọi; hạt dẻ ở đây to và có màu như hạt nhãn nhưng hơi dẹp; quả tắc ngọt mới nhìn qua cứ nhầm tưởng là quả thanh trà ở rừng Miền Nam, ăn vào ngọt lịm; chúng tôi đi vào trong chợ, những mặt hàng nào ở Hà nội chưa tìm ra thì ở đây hình như là có tất cả, tôi thích nhất là pháo điện, với giá tiền là 520 ngàn một phong pháo tống, mặc dù muốn mua nhưng sợ gặp rắc rối khi lên máy bay nên thôi. Tranh thủ lúc mọi người mua sắm, tôi ra bờ sông Kỳ Cùng ngắm cầu Kỳ Lừa; trước mắt, dòng sông nơi xứ Lạng mang nhiều dấu ấn của lịch sử, dòng sông chảy ngược theo hướng Đông Nam lên Tây Bắc, uốn lượn như chiếc khăn quành cổ bằng lụa vắt qua, tạo cho thành phố thêm phần thơ mộng. Một người bán hàng rong cho tôi biết phía bờ Bắc sông Kỳ Cùng thường gọi là “bên Kỳ Lừa”, còn bên phía bờ Nam sông Kỳ Cùng gọi là “bên Tỉnh”. Bên Tỉnh có Chợ Chi Lăng, song người dân vẫn quen gọi là “Chợ tỉnh”. Còn bên Kỳ Lừa, hiện vẫn còn phố chợ Kỳ Lừa với Chợ đêm Kỳ Lừa, một điểm dừng chân, du lịch mua sắm thú vị của đông đảo du khách.

Gần 4 giờ chiều, chúng tôi quay về Hà Nội, những địa danh nổi tiếng như chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng lùi xa dần; hoàng hôn vùng núi phía Bắc xuống nhanh hơn, chuyến đi khép lại. Hà Nội đây rồi, chỉ vài hôm nữa thôi tôi sẽ về Nam đón xuân cùng gia đình. Qua Tết loáng một cái là hết khóa học, những chuyến đi như thế này có bao giờ trở lại, xa nhau rồi còn chút gì cho nhau? Hãy sống vì nhau một chút lớp A118 nhé!
 
                       Hà Nội, tháng 01 năm 2014
 

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng