Cây trái rừng xưa

Cây trái rừng xưa
Hồi nhỏ, thật tình tôi không dám nghĩ, sẽ đến một ngày người ta lại có thể triệt hạ rừng nhanh đến vậy. Gia đình tôi về Tánh Linh từ năm 1977. Hồi ấy, rừng vẫn còn là một thế lực của thiên nhiên nghìn đời, u tịch, thâm nghiêm và huyền bí. Con người có thể phá rừng làm rẫy, chặt cây làm nhà, truyền đời tác động đến rừng để tìm kiếm miếng ăn, nhưng rừng vẫn tái sinh mạnh mẽ, và đến khi con người gối mỏi chân chồn thì rừng lại tiến sát như muốn nuốt chửng ruộng rẫy, nuốt chửng con người.

 

       Hồi nhỏ, thật tình tôi không dám nghĩ, sẽ đến một ngày người ta lại có thể triệt hạ rừng nhanh đến vậy. Gia đình tôi về Tánh Linh từ năm 1977. Hồi ấy, rừng vẫn còn là một thế lực của thiên nhiên nghìn đời, u tịch, thâm nghiêm và huyền bí. Con người có thể phá rừng làm rẫy, chặt cây làm nhà, truyền đời tác động đến rừng để tìm kiếm miếng ăn, nhưng rừng vẫn tái sinh mạnh mẽ, và đến khi con người gối mỏi chân chồn thì rừng lại tiến sát như muốn nuốt chửng ruộng rẫy, nuốt chửng con người.

      Hồi ấy, ngay trước nhà tôi là rừng. Cây cổ thụ vẫn hiên ngang đứng giữa làng, và người ta tin là có thần trú ngụ nên không ai dám hạ. Ba tôi phát một khoảnh để trỉa bắp, nhưng, để biến rừng thành rẫy là một công việc cực khổ trần thân. Phát rẫy xong, vừa tra hạt giống xuống thì chồi cây đã mọc lại. Muốn chiếm đất của rừng, phải còng lưng đào, đánh bật được gốc rễ thì hoạ may cây mới chết. Sức người có hạn, nên dù không có ai giữ rừng thì rừng vẫn trường tồn, vẫn mạnh mẽ vượt lên trên mọi khát vọng chinh phục của con người.

       Rừng bao vây tứ bề, che giấu bên trong là hùm beo, là rắn rết, nên muốn an toàn, lúc nào trong tâm tưởng một đứa trẻ, là tôi, cũng muốn có được một sức mạnh siêu nhiên để đẩy rừng lùi xa.

      Sợ rừng, nhưng cây trái của rừng thì tôi lại thích. Rừng bao la, lúc nào cũng sẵn bao nhiêu là hoa quả, có loại biết tên, có loại phải tự đặt theo ý thích của mình. Ngay trên đường đi học, bọn trẻ tuị tôi vẫn có thể hái được trái rừng. Mấy bụi vú bò mọc sát đường đi, thả những chùm quả vàng xuống ngay trước mắt. Còn cây trâm quả tím, ngọt thanh, là nơi mà mỗi lần đi học về bọn trẻ chúng tôi đều ghé. Trái cò ke khi chín ngả sang màu nâu thẫm, ngậm vào miệng là nghe vị ngọt thấm tê cả lưỡi, nuốt đến bụng rồi mà cái mùi thơm dìu dịu vẫn còn bám mãi bờ môi.

       Tuổi thơ khốn khó, chẳng mấy khi được cho quà, nên mỗi khi ba đi rừng, tôi vẫn thường ra ngõ ngóng chờ; và bao giờ cũng vậy, dù vác cây trên vai nặng trĩu, ba vẫn không quên tìm hái cho chúng tôi một vài loại quả rừng nào đấy. Trái cây rừng thì nhiều, màu sắc, hình thù đa dạng, nhưng không phải thứ gì cũng ăn được. Ba phải hỏi nhiều người, và phải ăn thử rồi mới hái về cho chúng tôi. Trong các loại quả rừng, tôi thích nhất là trái gùi. Cứ vào độ tháng năm, khi những cơn mưa đã xối xả vào mùa thì trên rừng trái gùi cũng chín. Các anh tôi phải làm việc cật lực hơn, để xong muà trồng trỉa thì theo bạn lên rừng hái gùi. Sau này lớn lên, tôi cũng vài lần được đi theo, và với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp không dễ gì quên được.

      Sáng, khi chân trời phiá đông vừa phớt ửng, một đoàn lóc nhóc năm, sáu đứa con nít, mang gùi còn sệ đến mông, hăm hở gọi nhau lên đường. Đường rừng quanh co, lại nhiều ngã ba, ngã bốn, nên chúng tôi phải đánh dấu để còn biết đường về. Khó nhất là khi phải cắt rừng, bỏ đường này nhưng lại gặp đường khác là lúng ta lúng túng, đôi khi hoảng loạn, thảng thốt gọi để rồi hoang mang khi chỉ nghe thấy tiếng của mình vọng lại âm âm.

      Gùi là một loại dây leo chắc khoẻ, thường bò trùm lên các loại cây khác để giành lấy ánh mặt trời, vì vậy, hái gùi là một công việc không hề đơn giản. Trái gùi khi chín rất mềm, chỉ cần rơi từ độ cao vài ba mét là nát bấy, nên không thể hái bằng sào được. Cũng may mà rừng rất nhiều gùi, nên chúng tôi chọn những cây nhỏ, đốn hạ để hái. Nếu gặp mùa gùi chín rộ, chỉ cần hạ một cây thôi cũng đủ cho bốn, năm người hái đầy mỗi người một giỏ. Trái gùi ngọt, không gắt, nên có thể ăn no mà không ngán. Đôi khi cũng có trái có vị chua, nhưng không nhiều.

      Sau khi muà gùi hết thì cây trường trong chân núi cũng chín vàng. Do trường là loại cây lớn, trái nhiều, lại có nhiều nhánh, dễ trèo nên bọn trẻ tụi tôi rất thích. Hàng ngày, sau khi lên núi chặt củi, bẻ măng, bao giờ tụi tôi cũng ghé qua chỗ cây trường, leo trèo thoả thích rồi mới về. Trái trường nhỏ như ngón tay, ăn bùi bùi, ngòn ngọt, và có mùi thơm dịu.

      Rừng mênh mông, nhưng các loài thực vật thì tùy theo sự thích nghi mà phân bố rải rác. Thanh trà và ươi thì mọc nhiều ở núi Ông. Cuối mùa nắng, trái ươi rụng đầy gốc, và chỉ cần một cơn mưa đủ lớn là nở bung, tạo thành một tấm thảm nhầy nhầy ngập lút cả bàn chân. Trái ươi ngâm nước, cho thêm ít đường, ăn rất mát. Còn thanh trà, về hình thù thì chẳng khác trái xoài là mấy, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, có vị chua chua, ngọt ngọt, mấy năm trước vẫn còn bán đầy chợ huyện. Ngoài ra, rừng Tánh Linh còn có trái viết, trái sây và rất nhiều hoa quả khác, vốn một thời là món quà thân thuộc và rẻ tiền của đám học trò nghèo nơi miền sơn cước.

      Đã lâu rồi, ước mơ dại dột ngày xưa của tôi không ngờ thành hiện thực. Những cánh rừng bạt ngàn mà tôi từng lạc lối, giờ thành những vườn điều, vườn cao su nối nhau đến tận chân trời. Tôi chạy xe lên La Ngâu, lên Tà Pứa, những vùng đất ngày xưa ẩn mình giữa rừng xanh heo hút, giờ cũng chẳng mấy nơi còn thấy được rừng. Ghé chơi thác Đầu Trâu, tôi được anh cán bộ thôn Tà Pưá hái cho mấy trái gùi. Nâng niu trái gùi trên tay, tôi như gặp lại mình trong những ngày thơ dại. Đối với tôi, trái gùi thân thuộc biết chừng nào. Lần đầu tiên tôi cầm nó trên tay là một buổi trưa hè nắng bỏng, ba tôi từ rừng về, áo ướt đẫm mồ hôi. Và cũng vì nó, cả nhà tôi đã từng thắc thỏm lo âu khi mưa chiều trút xuống, trời tối dần mà chưa thấy bóng anh tôi. Cây trái là của rừng, nhưng để được cầm nó trên tay là bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu mồ hôi, mà chỉ có tình yêu thương mới có thể khiến người ta phải lội suối băng rừng.

       Ba tôi không còn. Rừng cũng đã bị đẩy xa về phía núi. Bằng thuốc khai hoang, bằng máy cưa, máy ủi, con người đã khiến những cánh rừng phải run rẫy lùi xa. Rưng rưng cầm trái gùi đứng nhìn lên thác Đầu Trâu, tôi như thấy nước mắt của rừng ưá ra từ vách đá. Từ khi rừng bỏ đi, những trái gùi, trái thanh trà cũng đành lỡ hẹn cùng niềm vui trẻ nhỏ. Muà mưa lại về, mỗi lần đi ngang chợ, tôi lại bùi ngùi nhớ hình ảnh những bà mẹ quê với cái thúng con con bày bán trái cây rừng.

       Tôi đang nhớ rừng, hay nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu của mình, tôi cũng không biết nữa./.


Tác giả bài viết: LƯƠNG VĂN LỄ