CHUYỆN BÁC SĨ THẮNG

Thứ hai - 23/12/2013 02:13
CHUYỆN BÁC SĨ THẮNG

CHUYỆN BÁC SĨ THẮNG

Bạn sẽ nghĩ gì nếu ai đó chỉ vào mặt mình mà nói rằng: “Anh, chính anh là thủ phạm tạo ra thói vô cảm, ra sự suy đồi đạo đức của xã hội này”?


      Bạn sẽ nghĩ gì nếu ai đó chỉ vào mặt mình mà nói rằng: “Anh, chính anh là thủ phạm tạo ra thói vô cảm, ra sự suy đồi đạo đức của xã hội này”?

      Có thể bạn sẽ không tin, bạn cần tranh luận hoặc thậm chí bạn phẫn nộ. Nhưng xin hãy dừng lại một chút, nghe câu chuyện của bác sĩ Thắng dưới đây.

      “Cái anh này, co cái chân lại đi, người đâu mà vô ý, ngồi chình ình ở cửa phòng người ta thế!”, cô y tá trong chiếc áo blouse trắng vừa đẩy cửa vào vừa ném một ánh nhìn đầy khinh miệt về phía người đàn ông ngồi sát cửa phòng khám.

      “Không biết chồng bà nào ngoài kia, đưa vợ đi khám thai mà cũng không sắm cho mình được bộ quần áo tươm tất, lại còn ngồi chình ình ở cửa…”, tiếng cô y tá vọng ra. Có lẽ cô cần xả nốt nỗi khó chịu mình vừa gặp phải, nhưng cửa phòng chưa đóng khít nên người đàn ông tội nghiệp trong bộ quần áo lao động nhàu cũ bên ngoài nghe được hết. Anh đưa mắt nhìn một bà bầu bên cạnh như có ý chữa thẹn. “Anh đưa chị đi khám à? Em khám ở đây nhiều rồi, cái cô ấy y tá đấy năm nắng năm mưa ấy mà. Khi thì vui vẻ khi thì gắt như mắm tôm”, bà bầu tỏ vẻ cảm thông, rồi xuống giọng nói tiếp: “Cái vị bác sĩ ở đây mới sợ, lúc nào mặt cũng khó đăm đăm, hở tí là quát, hở tí là mắng”.

      Vừa lúc đó, một bà bầu khác đẩy cửa phòng đi ra, ngồi cạnh hai người. Bà bầu đang ngồi đợi sáp lại gần hỏi: “Sao chị khám nhanh thế, chị không cần lấy phiếu à? Chắc chị có quen bác sĩ, có cách nào cho em khám được không? Nhà em ở Phú Xuyên, lên đây mất cả buổi mà đi 3-4 lần rồi không gặp được bác sĩ. Lúc nãy em thấy chị mang theo quà, khám ở đây cũng cần quà hả chị?” Chị kia ái ngại: “Em cũng không biết nữa, em đến khám bình thường thôi, còn quà vì bác sĩ là bạn học của chồng em chị ạ…”.

      Câu chuyện này diễn ra tại cửa một phòng khám trước sinh ở một bệnh viện lớn của Hà Nội, nhưng ta có thể bắt gặp những cảnh tương tự ở bất cứ hành lang bệnh viện nào. Những người bệnh một lòng trông chờ vào bác sĩ, thầy thuốc, những vị tiên áo trắng, nhưng đôi khi các thầy thuốc của chúng ta lại xuất hiện trong bộ dạng những ông bà chằn.

      Câu chuyện không có gì đặc biệt, nếu người đàn ông trong bộ quần áo lao động nhàu nát kia không phải là một bác sĩ.

      Anh chính là bác sĩ Thắng, người mà thường ngày, cô y tá vừa mắng nhiếc anh lúc trước, luôn lễ phép “một dạ hai vâng”. Hôm nay, anh cởi bỏ chiếc áo blouse ra, khoác vào chiếc áo lao động thường mặc ở nhà, đến cửa phòng khám của mình và anh đã tự mở ra cho mình một thế giới mới. Có một thế giới khác ngay bên ngoài cửa phòng khám của mình mà thường ngày trong chiếc áo blouse anh chưa bao giờ được thấy.

      Anh nghĩ về người mẹ tội nghiệp ở Phú Xuyên mất hàng giờ chạy xe lên bệnh viện mà năm lần bẩy lượt không gặp được bác sĩ. Anh nghĩ về một người cha trong bộ quần áo lao động dưới ánh mắt khinh miệt của cô y tá. Chẳng phải đó chính là hình ảnh của mẹ anh, cha anh hơn 30 năm trước đây sao?

      “Tôi đang làm gì thế này?”, bác sĩ Thắng tự hỏi. Hình như anh đang dần bị tha hóa mà không biết. Hình như anh đang dần đánh mất mình mà chính anh không biết. Khi bước chân vào nghề anh đã đặt ra nguyên tắc không nhận quà biếu, đối xử ân cần với bệnh nhân, nhất là người nghèo khó. Nhưng rồi người ta cứ mang quà đến, khi là người quen, khi là những trình dược viên cần anh kê thuốc của họ. Một lần, hai lần, ba lần… rồi thành thói quen khi nào anh không biết. Cũng không biết từ khi nào, anh dễ cáu gắt hơn với những bệnh nhân không có quà lại hay hỏi, lại ăn mặc quê mùa lam lũ. Rồi cũng không biết từ khi nào anh chỉ giữ thói quen nhẹ nhàng, niềm nở với những bệnh nhân thân quen, đến khám là có quà riêng.

      Hơn ai hết, anh hiểu, những món quà của các cô trình dược viên kia đâu phải tự trên trời rơi xuống, nó được trả bằng những đơn giá thuốc cao, có khi đến mức vô lý, làm khánh kiệt bao gia đình bệnh nhân nghèo. Những món quà riêng cũng thế, nó được trả để mua sự phân biệt đối xử, mà sự phân biệt đó có thể đã gây ra tổn thương nặng nề cho những người bệnh nghèo khó. Những người nghèo khó đó là ai? Chẳng phải là chính anh, gia đình anh một thời chưa xa?

      Nếu không có sự vụ ngày hôm nay, có lẽ anh đã quên mất những điều anh đã tâm niệm ngày trước. Nếu không có ngày hôm nay, anh sẽ đỏ gay mặt mà tranh luận, thậm chí nổi khùng với kẻ nào dám nói: “Anh, chính anh là thủ phạm tạo ra thói vô cảm, ra sự suy đồi đạo đức của xã hội này”.

      Bây giờ thì anh đã hiểu. Có thể chính anh là thủ phạm, chính anh là một mắt xích trong đường dây tạo ra sự vô cảm, tạo ra cái xấu xa anh lên án hằng ngày. Có thể mọi sự đều kết nối với nhau theo những logic riêng của nó mà anh đã không hay biết. Chị nông dân kia, anh công nhân kia, cô nhân viên phòng công chứng kia… hiện cần đến anh, vì họ đang cần bác sĩ. Cũng như đến lượt anh, anh sẽ cần họ, vì anh không thể từ chối sống trong cộng đồng. Anh phải ăn rau, ăn thịt họ làm ra. Anh phải ở nhà họ xây. Khi cần đến giấy tờ anh phải đến phòng công chứng của họ.

      Mong sao cho công bằng không là sự trả thù. Nhưng ai mà biết được sự công bằng đang không được tìm kiếm bằng cách trả thù. Họ chịu đựng sự vô cảm của anh khi này, vì họ đang cần bác sĩ, nhưng khi khác họ sẽ trả thù anh, bằng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng trong rau, thịt, bằng những bức tường, những viên gạch xây ẩu, bằng những câu nói cộc lốc ở phòng công chứng. Ai mà biết được xã hội này đang không vận hành theo cách trả thù lẫn nhau như thế?

      Biết đâu đấy, nếu gặp một bác sĩ tử tế, đón nhận sự tử tế từ xã hội, cô nông dân sẽ nghĩ lại mà thận trọng hơn với thuốc trừ sâu định đem bón rau, anh công nhân xây dựng sẽ thận trọng hơn với từng viên gạch, chị nhân viên phòng công chứng sẽ biết cách niềm nở với mọi người dân tìm đến chị? “Tại sao thay vì trả thù, chúng ta, từng người chúng ta không thể chung tay kiến tạo ra một xã hội vận hành theo một lối trả ơn như thế?”, bác sĩ Thắng tự hỏi.

      Và mỗi người chúng ta, sao ta không thử ngay hôm nay, bước ra khỏi cuộc sống thường ngày, cởi bỏ những chiếc áo khoác thường này, là bác sĩ, là giáo viên, là nhà báo, là chính khách… nhìn cuộc sống bằng con mắt mới, con mắt của những người cần đến ta, là bệnh nhân, là học sinh, là phụ huynh, là nguồn tin, độc giả… để trải nghiệm một thế giới khác, để nhận ra hằng ngày chúng ta đang vô cảm ra sao, đang gây ra những tổn thương, những sự xúc phạm có khi đến tàn ác như thế nào? Biết đâu đấy, một thế giới mới sẽ mở ra cho ta như đã mở ra cho bác sĩ Thắng, ta sẽ nhận ra ta đang vô cảm, ta đang dung dưỡng cho cái ác, cái xấu hằng ngày và chính ta, chính ta đang là một mắt xích tạo ra sự suy đồi đạo đức của xã hội này (*)./.

 


 

(*) “Chuyện bác sĩ Thắng” là một câu chuyện giả tưởng viết dựa theo một ghi chép của tác giả ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, bài đã đăng trên Thanh niên online. Được sự đồng ý của tác giả, tanhlinh.vn đăng lại bài viết như một cách thể hiện sự đồng tình với quan điểm của nhà thơ, nhà báo, blogger Đông Kinh. 


Tác giả bài viết: Đông Kinh

Nguồn tin: Nguồn báo Thanh niên online, mục Tôi viết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 94


Hôm nayHôm nay : 23736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 532885

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16177125