ĐẦM ĐỎ

Thứ tư - 20/11/2013 11:39
ĐẦM ĐỎ

ĐẦM ĐỎ

Mẹ đang may cho tôi một chiếc đầm. Suốt tháng 11, cứ đi học về là tôi thấy mẹ trong bếp, bên chiếc máy may đạp chân cũ kĩ kê sát cửa sổ để lấy ánh sáng, và cũng để mẹ có thể nhìn ra những đám ruộng trơ gốc rạ và vườn rau lác đác xem có ai qua lại trên đường không. Nhưng hiếm khi mới trông thấy người.


Mẹ đang may cho tôi một chiếc đầm. Suốt tháng 11, cứ đi học về là tôi thấy mẹ trong bếp, bên chiếc máy may đạp chân cũ kĩ kê sát cửa sổ để lấy ánh sáng, và cũng để mẹ có thể nhìn ra những đám ruộng trơ gốc rạ và vườn rau lác đác xem có ai qua lại trên đường không. Nhưng hiếm khi mới trông thấy người.

Mẹ chọn vải nhung đỏ nên rất khó may thêu, hơn nữa kiểu may của mẹ cũng không kém phần rối rắm trong khi mẹ không phải là thợ may giỏi. Mẹ thích tự làm mọi thứ, vậy thôi.

Mỗi khi có thể, mẹ luôn dành thì giờ lúi húi thêu thùa may vá dù với tôi mẹ chẳng được khéo tay. Chuyện đơm nút áo hay viền lai thì đã có dì và ngoại giúp.

Không như dì tôi hay bà tôi, mẹ tôi có đủ cảm hứng, lòng dũng cảm và cả những ý tưởng sáng rỡ khi “đề pa” tiến hành công việc. Từ thời điểm đó trở đi, niềm vui của mẹ từ từ đổ dốc. Thứ nhất, mẹ không thể tìm được cái mẫu vừa ý. Chẳng có gì lạ bởi ý tưởng dị kỳ luôn nở rộ trong đầu mẹ. Hồi tôi còn bé xíu, mẹ đã may cho tôi một cái áo đầm hoa bằng vải phin organđi, một bộ đồ kẻ sọc đi kèm với chiếc áo khoác nhung và cái mũ bêrê, một chiếc áo áo cánh thêu thùa quê mùa mặc với chiếc váy dây đen lùng thùng, màu đỏ loét. Tôi đã ngoan ngoãn mặc chúng, thậm chí còn vui nữa - những ngày ấy tôi có biết gì đâu. Giờ khôn lớn hơn rồi, tôi ước mình có được trang phục như của Lonnie, bạn tôi, mua tại tiệm Beale.

Thi thoảng Lonnie đến nhà tôi lúc mẹ bắt tôi thử đồ và cô ấy ngồi xuống đi văng xem. Tôi hơi ngượng vì mẹ xắng xít quanh tôi, đầu gối rệu rạo, hơi thở nặng nề lại luôn lẩm bẩm một mình. Ở nhà, mẹ không bao giờ mặc áo ngực hay mang vớ dài. Bắp chân mẹ nổi nhiều gân xanh. Tôi hơi quê với tư thế ngồi chồm hổm của mẹ, thậm chí tôi thấy hơi tục tĩu sao sao ấy. Tôi đã cố liên tục bắt chuyện để hạn chế tối đa khỏi sự chú ý của Lonnie tới mẹ tôi. Lonnie luôn tỏ vẻ điềm tĩnh, lịch sự trước mặt người lớn. Làm sao mà họ biết cô ấy giả bộ chứ.

Tôi bị xoay tới xoay lui khi mẹ khâu khâu đính đính. Rồi mẹ bắt tôi bước tới, đứng yên. “Con nghĩ sao, Lonnie?” mẹ hỏi, miệng vẫn ngậm kim, kẹp…

Trông đẹp lắm,” giọng Lonnie dịu nhẹ, chân thành. Mẹ của Lonnie đã mất. Cô sống với cha, người không bao giờ để ý đến cô ấy, và điều này, trong mắt tôi, dường như vừa là điểm yếu vừa là thế mạnh của cô. Mẹ xem tôi là con nít trong khi chuyện trò với Lonnie như thể cô ấy đã trưởng thành.

Mẹ lật chiếc đầm làm cơ thể tôi lộ ra hết. Tôi ước gì mình cũng mảnh khảnh như Lonnie.

Thời trung học, có ai may đầm cho bác đâu, phải tự làm thôi,” mẹ nói. Mẹ lại bắt đầu chuyện xưa, kể khổ. Trước tôi cũng quan tâm nhưng nghe mãi đâm chán.

Khi rảnh, Lonnie và tôi lên lầu, vào phòng tôi, nói về các chàng trai trong lớp. Bạn có thích anh ta? Thích sơ sơ? Ghét? Bạn sẽ đi chơi nếu anh ta mời?”.

Chúng tôi đã mười ba tuổi, và lên trung học được hai tháng rồi. Chúng tôi đã làm các câu hỏi tìm hiểu bản thân trên các tạp chí, đọc bài viết về làm đẹp, cách trò chuyện vào lần hẹn đầu và làm gì nếu bạn trai đi quá xa… Lúc việc học hành thư thả, chúng tôi chúi đầu vào các thông tin về giới tính, tình dục. Chúng tôi đã giao ước nói với nhau tất. Nhưng có một điều tôi giữ kín là buổi khiêu vũ này, buổi Khiêu vũ mừng Giáng sinh tại trường trung học, dịp mà mẹ tôi đã may cho tôi một chiếc đầm.

Ở trường trung học, tôi chưa bao giờ thoải mái tới một phút. Tôi không biết Lonnie thì sao chứ tôi chẳng ưa môn nào. Mỗi lần có kiểm tra một tiết, bàn tay cô nàng lạnh tanh và tim đập thình thịch, trong khi tôi gần như vô vọng. Cứ mỗi lần bị hỏi kiểm tra tại lớp, thậm chí câu hỏi đơn giản, giọng tôi trở nên lí nhí, hoặc khàn khàn và run rẩy. Khi tôi phải lên bảng - ngay thời điểm không chắc lắm trong tháng - y rằng tôi có vệt dính nơi váy. Bàn tay tôi nhầy nhụa đầy mồ hôi khi được yêu cầu vẽ bằng compa bút chì. Tôi không thể đánh trúng cầu trong trò cầu lông; làm điều gì trước đám đông tôi đều thất bại thảm hại. Tôi ghét cay ghét đắng giờ học kinh doanh thực hành, vì tôi phải dùng thước kẻ trang giấy thành cuốn sổ kế toán, và khi thầy giáo liếc xéo qua vai tôi, những đường thẳng liền nghiêng bên này ngả bên kia và tông loạn xạ vào nhau. Tôi ghét môn khoa học - chúng tôi lắp đặt những dụng cụ thí nghiệm dưới những ánh đèn chói mắt, dụng cụ thì rất dễ vỡ - với một người thầy có giọng nói lạnh lùng đều đều như tụng. Tôi ghét môn Ngữ văn - tiếng Anh vì bọn con trai chơi trò lô tô ngay cuối lớp học, trong khi cô giáo, một người phụ nữ hiền lành, đậm người, mắt lé kim, đang đọc thơ của Wordsworth... Cô giáo hăm dọa, năn nỉ bọn trẻ, mặt cô ửng đỏ. Bọn con trai xin lỗi nhưng khi cô giáo tiếp tục đọc thơ chúng lại chế giễu và nhại điệu bộ của cô. Thi thoảng, cô rơi nước mắt, nhưng chẳng ích gì, cô bỏ chạy ra hành lang. Tụi con trai lại la như bò rống; cười toe toét - ồ, cả tôi nữa…

Nhưng những gì thực sự diễn ra trong trường không phải ở tiết học Kinh doanh thực hành, Khoa học và môn Ngữ văn - tiếng Anh, mà là vài thứ khác làm cuộc sống trở nên gọn lẹ và sáng sủa hơn. Đó là tòa nhà cũ kỹ, lạnh lẽo với tầng hầm ẩm ướt, với bức tường đá và những phòng vệ sinh đen đúa, với những bức tranh các nhà quí tộc đã chết và những nhà thám hiểm mất tích, đầy những căng thẳng, háo hức, mơ mộng mà tôi đã linh cảm tất cả đều thất bại. Điều gì đó đã xảy ra, ngăn cản tôi tránh xa cuộc khiêu vũ đêm ấy.

Tháng 12 đến, tuyết rơi trắng xóa, tôi nảy ra ý tưởng để trốn buổi khiêu vũ sắp tới. Tôi dùng chiêu: con bị té xe bong gân nhưng phải gắng sức đạp xe về nhà băng qua những con đầy ổ gà và tuyết đông cứng, hậu quả là cổ họng và phổi của con có vấn đề rất nặng. Làm sao chứng minh, trưng ra triệu chứng bệnh viêm họng và phổi? Khó thật. Tôi liền bật dậy, ra khỏi giường, mở cửa sổ phơi mình trước gió tuyết. Tôi phanh áo, hở cổ hở ngực, nhắm nghiền mắt lại, lẩm nhẩm nguyện cầu để được… nhiễm lạnh, đổ bệnh. Đến khi chịu không nổi nữa, tôi chà tuyết khắp vùng ngực, cài nút áo lại rồi lên giường ngủ tiếp với bộ đồ ướt mèm cùng nỗi chờ mong điều tệ hại nhất sẽ xảy ra. Buổi sáng thức dậy tôi kiểm tra cổ họng, rờ lên trán coi mình có sốt không. Dường như chẳng có gì - kết quả không như ý. Tới ngày khiêu vũ sức khỏe tôi vẫn tốt mù.

Để chuẩn bị tham dự đêm khiêu vũ mừng Giáng sinh, tôi đã tự uốn tóc cho mình, dù tóc tôi xoăn tự nhiên, bằng các cuộn kẹp bằng thép. Trước giờ tôi chưa từng làm vậy nhưng hôm nay tôi muốn tất cả các cô gái phải ngưỡng mộ mái tóc của tôi. Tôi nằm trên chiếc ghế dài trong bếp, đọc cuốn Những Ngày Cuối Cùng của Thành Pompeii, và ước gì mình được ở đó. Mẹ tôi không hài lắm về bề ngoài của tôi, Mẹ đang thêu ren trắng cho phần cổ của chiếc đầm. Mẹ khẳng định nó trông vẫn tối - mẹ đã quyết định phải làm cho khi mặc nó tôi trông ra vẻ người lớn cơ. Tôi nhìn đồng hồ luôn. Đó là một trong những ngày ngắn nhất của năm.

Khi tôi làm tóc xong, mẹ lấy nước hoa xịt lên tay tôi rồi giúp tôi diện chiếc đầm trông như kiểu áo của công chúa, thắt phần eo, khoe phần ngực.

Ước gì mẹ có thể chụp cho con một tấm hình,” mẹ nói. “Mẹ thực sự thích nó và nói thật là mẹ rất lấy làm tự hào... Chiếc đầm hợp với con lắm. Và con phải cảm ơn mẹ về điều đó.”

Cám ơn mẹ,” tôi lí nhí.

Khi tôi mở cửa ra, câu đầu tiên của Lonnie là, “Chúa ơi, bạn đã làm gì với mái tóc vậy?”

Tôi tự làm đấy.”

Bạn trông giống người Zulu Nam Phi quá. Nhưng đừng lo, đưa cho mình cái lược. Mình sẽ sửa mái trước… bạn sẽ trông chững chạc hơn.”

Mẹ dường như không thể rời chúng tôi. Khi Lonnie xong việc, mẹ nói: “Con đúng là một người làm tóc chuyên nghiệp, Lonnie à.”

Cảm ơn bác.”

Mẹ đi theo chúng tôi ra tận cửa. “Au reservoir!” (Chào tạm biệt!) - tiếng mẹ gọi với theo, vang vọng trong màn đêm, y câu Lonnie và tôi thường nói khi chia tay. Chỉ Lonnie vui vẻ nhiệt thành đáp lại, “Good night!”

 

*

 

Buổi khiêu vũ đông nghẹt. Anh chị khối lớp lớn đi có cặp cả. Các bạn gái lớp 12, 13 cũng dẫn bạn trai theo - những chàng đã tốt nghiệp giờ là doanh nhân trẻ của thị trấn. Những chàng trai trẻ vô tư hút thuốc trong phòng tập thể dục, đố ai cản, họ được tự do mà. Những cô gái đứng cạnh, hững hờ nắm tay áo bạn trai, với gương mặt đẹp mang vẻ đăm đăm xa cách. Tôi khao khát được như thế. Họ cư xử như thể chỉ có họ - người lớn - mới thực sự có mặt tại buổi khiêu vũ, như thể những người còn lại là bọn tôi chả hề tồn tại. Đầu tiên là một bản nhạc của Paul Jones. Họ chậm rãi ra sàn, mỉm cười với nhau, tay trong tay. Với niềm vui ngập tràn chất ngất, họ run rẩy sánh đôi. Lonnie và tôi cùng các bạn nữ lớp 9 khác theo sau.

Tôi thậm chí không dám nhìn vòng người phía ngoài, mí mắt như muốn cụp xuống. Khi âm nhạc dừng lại tôi chôn chân tại đó. Một học sinh nam tên là Mason Williams miễn cưỡng tiến về phía tôi. Một tay chạm sơ vào eo tôi, tay kia nắm hờ đầu ngón tay của tôi, cậu ta bắt đầu nhảy với tôi. Chân tay tôi rã rời run rẩy, miệng cứng lại. Cậu Mason Williams này là một trong những người hùng của trường, một ngôi sao bóng rổ, khúc côn cầu khệnh khạng vênh váo. Khiêu vũ cùng cô gái vô danh tiểu tốt như tôi chắc cậu ta cảm thấy chướng như phải học Shakespeare vậy. Tôi nhận ra điều này rõ ràng như cậu ấy, và hình dung ánh nhìn hơi bị quê của cậu ấy hay những cái nháy mắt qua lại đầy ẩn ý giữa cậu ấy với bạn bè cậu. Dìu tôi ra mép sàn nhảy một cách ngại ngần, cậu ấy thả tay, nói “gặp lại,” rồi bỏ đi.

Tôi mất một hoặc hai phút để hiểu những gì đã xảy ra và rằng cậu ta sẽ không trở lại. Tôi tới sát bức tường, đứng một mình. Bản thân tôi không ngạc nhiên hay giận dỗi Mason. Tôi biết chấp nhận thực tế, biết mình biết người. Tuy nhiên, tôi hy vọng không có nhiều người nhìn thấy. Tôi ghét cảnh người ta nhìn tôi. Tôi bắt đầu cắn ngón tay cái.

Khi nhạc ngừng, tôi hòa mình vào dòng nữ sinh đang đổ về cuối phòng tập thể dục. Coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, tôi nhủ với lòng mình. Cứ vờ như bây giờ mới bắt đầu.

Ban nhạc tiếp tục chơi. Có sự dịch chuyển trong đám bạn nữ chúng tôi đứng đông dày ở cuối sàn nhảy, người thưa đi một cách nhanh chóng. Nam đến, nữ ra. Lonnie đã ra sàn. Cô gái bên kia cũng vậy. Không ai mời tôi. Tôi nhớ có một bài viết trên tạp chí mà Lonnie và tôi đã đọc khuyên: Hãy lẳng lơ trong ánh mắt, tiếng cười, giọng nói! Đơn giản, rõ ràng thế, nhưng bao cô gái và tôi đã quên. Tôi quá căng thẳng, sợ hãi và xấu xí. Tôi hít một hơi thật sâu và cố gắng nới lỏng gương mặt. Tôi nở nụ cười. Nhưng tôi cảm thấy lố bịch, mỉm cười với ai chứ. Và tôi quan sát thấy nhiều cô gái trên sàn nhảy đã không mỉm cười vẻ ngái ngủ, sưng sỉa.

Các cô gái vẫn đang tiến ra sàn. Một số chán chường ra cùng nhau. Nhưng hầu hết được bạn trai mời. Những cô gái béo, những cô mặt mụn trứng cá, một cô nghèo bận váy khoác áo gió bởi không có đầm, họ đã được mời, họ đang khiêu vũ. Tại sao chọn họ mà không chọn tôi? Mọi người trừ tôi? Tôi có đầm nhung đỏ, tóc uốn, chất khử mùi và nước hoa… Hãy cầu nguyện, tôi nghĩ. Dù không thể nhắm mắt nhưng tôi nói thầm trong đầu, “Mời tôi, làm ơn,” Tôi cho hai tay ra sau lưng, nắm lại theo “kiểu tuyệt chiêu”, dấu hiệu bí mật mà Lonnie và tôi thường sử dụng để nguyện cầu khỏi bị kêu lên bảng trong giờ Toán.

Chẳng có tác dụng. Những gì tôi e sợ đã trở thành sự thật: bị bỏ rơi. Có điều gì đó khó giải thích, không phải do mặt mụn cũng không bởi hơi thở nặng mùi… Nhưng có điều chắc chắn là tôi cảm thấy khó ở, người như muốn bệnh. Tôi vội vã lướt qua một hoặc hai cô gái cũng bị bỏ lại và đi vào khu vệ sinh nữ. Tôi giấu mình trong một gian buồng hẹp.

Giữa các điệu nhảy các cô gái vào ra ngoài một cách nhanh chóng chỗ tôi đang ẩn nấp. Có rất nhiều phòng nên không ai nhận thấy tôi không phải là một kẻ “cư ngụ tạm thời”. Trong suốt thời gian khiêu vũ, tôi lắng nghe những bản nhạc mà tôi thích nhưng không còn cơ hội thể hiện điệu nhảy nữa. Tôi chỉ muốn trốn ở đây, rồi lẻn về nhà.

Một thời điểm nào đó, sau khi nhạc nổi lên, tôi thấy một người phía sau. Cô ấy sẽ mắc cười vì tôi đã ở trong này quá lâu. Tôi nghĩ tốt hơn là mình đi ra ngoài và rửa tay, và có thể trong thời gian đó cô ấy sẽ đi.

Đó là Mary Fortune. Tôi biết rõ tên bởi cô ấy là người tổ chức sự kiện, sắp xếp chương trình buổi khiêu vũ này. Cô ấy đã đến từng lớp tìm tình nguyện viên trang trí. Cô ấy học lớp 11 hoặc 12.

Ở đây mát mẻ dễ chịu thật,” cô ấy nói. “Tôi nóng bức quá.”

Cô vẫn còn chải tóc khi tôi rửa tay xong. “Bạn khoái ban nhạc chứ?” cô ấy hỏi.

Cũng được.” tôi thực sự không biết phải nói gì. Tôi ngạc nhiên nhìn một người đàn chị đang phí thời gian bắt chuyện với mình.

Tôi thì không, không thể chịu được. Tôi ghét nhảy khi tôi không khoái ban nhạc.”

Tôi chải tóc, cô ấy dựa vào bồn, nhìn tôi .

Tôi không muốn nhảy và đặc biệt chả khoái ở lại đây. Chúng ta hãy đi chỗ nào đó làm điếu thuốc.”

Ở đâu?”

Thôi mà, đi, tôi sẽ chỉ cho.”

Phía cuối phòng vệ sinh có cánh cửa lớn không khóa và dẫn vào một phòng kho tối om ngổn ngang giẻ lau và xô thùng. Cô ấy bảo tôi giữ cửa mở để cô ấy tìm công tắc. “Tôi không thể bật đèn vì e có người nhìn thấy,” cô ấy nói . “Đây là phòng của người trông nom tòa nhà.” Tôi ngộ ra rằng dân chơi thể thao và các vận động viên luôn luôn rành về các tòa nhà; họ biết rõ mọi ngõ ngách để luồn lách trái phép và nơi cất giữ mọi thứ. “Cẩn thận! Chỗ kia có cầu thang,” cô ấy nói. “Cầu thang này dẫn lên một phòng kho trên tầng hai. Cửa trên khóa, vì vậy chúng ta sẽ ngồi trên bậc thềm. Ngay cả khi có người nào đó tình cờ đến đây, họ cũng không nhìn thấy chúng ta.”

Họ sẽ không ngửi thấy mùi khói chứ?” tôi nói.

Ồ, không.”

Trên cao có một cái cửa sổ lấy cho chúng tôi một chút ánh sáng. Mary Fortune có thuốc lá và diêm trong ví. Trước đây tôi không hút thuốc trừ những điếu Lonnie và tôi tự quấn bằng giấy - sợi thuốc bên trong Lonnie thóm của cha.

Lý do duy nhất tôi đến tối nay,” Mary Fortune nói, “là vì tôi chịu trách nhiệm khâu trang trí và tôi muốn thấy, bạn biết đấy, tất cả mọi thứ trông thế nào thôi, còn những thứ khác…sao phải bận tâm chứ? Tôi không mê trai.”

Trong luồng ánh sáng chiếu xuống từ cánh cửa sổ trên cao, tôi có thể thấy khuôn mặt nhỏ đầy vẻ khinh miệt của cô ấy. Da mặt của cô ấy bị nám, sần, nổi đầy mụn trứng cá, răng hô. Nó khiến cô ấy trông khắc khổ, già dặn - ra dáng chỉ huy.

Hầu hết con gái đều vậy. Bạn không nhận thấy điều đó à? Có hàng đống con gái mê trai mà bạn có thể hình dung ra ngay tại trường này đó.”

Tôi rất biết ơn sự niềm nở ân cần của cô ấy - cô ấy đi cùng, tâm sự, làm bạn với tôi và còn cho thuốc lá nữa. Tôi trả lời cô ấy là tôi cũng nghĩ như vậy.

Như hồi chiều. Chiều nay tôi đã cố đốc thúc họ trang trí hoa, treo chuông, mành... Họ chỉ thượng lên thang và ẻo lả cợt đùa với con trai. Họ không quan tâm đến công việc, chả để ý xem thử trang trí như thế đã được chưa. Nhận việc, làm tình nguyện viên…đó chỉ là một cái cớ. Mục đích duy nhất trong cuộc đời của họ là phí thời gian làm trò ngố hay lả lơi với con trai. Đối với tôi, họ là lũ ngốc.”

Chúng tôi nói về những người giáo viên, và những chuyện ở trường. Cô ấy tâm sự với tôi rằng cô ấy muốn trở thành một giáo viên Thể dục và cô ấy sẽ phải đi học đại học nếu muốn biến ước mơ trở thành hiện thực, nhưng cha mẹ của cô ấy không có đủ tiền. Cô ấy cho biết cô ấy đã lên kế hoạch làm việc cho chính mình. Dù sao đi nữa thì cô ấy cũng muốn tự lập, cô sẽ phụ việc trong các tiệm ăn và vào mùa hè cô ấy sẽ nhận làm công việc đồng áng. Nghe cô nói, tôi cảm thấy mọi buồn đau của mình phai nhạt, tan biến dần, lòng nhẹ hẳn. Vậy là vẫn có những người đã phải chịu đựng nỗi bất hạnh, sự thất bại giống như tôi - tôi nhận ra điều đó - nhưng cô ấy tràn đầy nghị lực, niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng. Cô đã nghĩ đến nhiều việc khác để làm.

Chúng tôi đã ở đó chuyện trò và hút thuốc trong thời gian âm nhạc tạm dừng khá lâu - có lẽ là thời gian giải lao, mọi người ở ngoài đó ăn bánh rán và uống cà phê. Khi âm nhạc tiếp tục trở lại, Mary nói: “Xem nào, chúng ta có phải quẩn quanh ở đây nữa thêm nữa không nhỉ? Hãy khoác áo vào và đi thôi. Tại sao chúng ta không tới quán uống sôcôla nóng, thoải mái nói chuyện?”

Chúng tôi tìm lối ra, qua căn phòng của người trông nom tòa nhà, mang theo tàn tro và những mẩu thuốc lá thừa. Tới phòng kho, chúng tôi dừng lại nghe ngóng để chắc chắn rằng không có ai trong phòng vệ sinh. Chúng tôi lại trở ra chỗ sáng và phủi tàn tro chỗ nhà vệ sinh. Chúng tôi phải đi ra, cắt ngang qua sàn nhảy để đến phòng thay đồ bên cạnh cửa ra vào.

Một điệu nhảy mới vừa bắt đầu. “Đi men theo mép ngoài sàn nhảy,” Mary nói. “Sẽ không có ai để ý thấy chúng ta.”

Tôi cắm cúi theo cô ấy, không nhìn ai cả, cũng không tìm kiếm Lonnie. Lonnie có lẽ sẽ không phải là người bạn của tôi nữa, dù sao thì…không thân thiết như trước. Cô ấy thuộc loại người mà Mary sẽ gọi là mê trai.

Giờ đây tôi thấy rằng mình chả e ngại, sợ hãi gì, rằng tôi đã quyết bỏ lại buổi khiêu vũ phía sau. Tôi sẽ không chờ đợi bất cứ ai chọn mình mời nhảy. Tôi đã có kế hoạch của riêng mình. Tôi không cần phải gượng cười hoặc làm dấu nguyện cầu may mắn nữa. Nó không còn quan trọng với tôi. Tôi đang kiếm chút sôcôla nóng cùng với một người bạn của tôi.

Một anh chàng, đứng chắn ngay trên lối tôi đang đi, nói câu gì đó với tôi. Tôi nghĩ chắc anh nhắc tôi là tôi vừa đánh rơi cái gì đó hay có lẽ anh bảo rằng tôi không thể đi theo lối đó hay là phòng thay đồ đã khóa rồi. Tôi không hiểu rằng anh đã mời tôi nhảy cho đến khi anh nói lại câu ấy. Đó là Raymond Bolting lớp tôi, người mà tôi chưa bao giờ nói chuyện, một câu với anh cũng chưa hề, từ khi tôi được xuất hiện trên cõi người tới lúc ấy. Anh nghĩ là tôi đã tỏ ý nhận lời, đã đáp yes. Anh đặt tay lên eo tôi và như thể vô tình, tôi bắt đầu khiêu vũ.

Chúng tôi di chuyển vào giữa sàn nhà. Tôi đang nhảy. Chân tôi không còn run rẩy nữa và tay tôi cũng chẳng đổ mồ hôi. Tôi đang khiêu vũ cùng một chàng trai, chàng trai đã mời tôi khiêu vũ. Không ai bảo anh phải làm vậy, không cần phải làm vậy, nhưng anh đã làm, đã mời tôi - chỉ vậy thôi. Điều ấy có thể xảy ra chứ, tôi có thể tin được chăng, sau tất cả mọi chuyện, không có gì vấn đề với tôi, phải vậy?

Tôi nghĩ tôi nên nói với anh rằng đó là một sai lầm, rằng tôi chỉ định rời khỏi đây, tôi đang làm điều đó và tôi sẽ uống sôcôla nóng cùng chị bạn của tôi. Nhưng tôi đã không nói lời nào. Nét mặt của tôi đã có sự điều chỉnh, vẻ tự nhiên, tinh tế. Không cần phải cố, nét lơ đãng hay vẻ u ám tự dưng tan biến hệt bao cô gái đã được các chàng trai lựa chọn, những người đã được mời nhảy, đã khiêu vũ. Đây là gương mặt mà Mary Fortune đã thấy, khi cô ấy nhìn ra qua cửa phòng thay đồ, chiếc khăn của cô ấy đã được quấn quanh đầu rồi. Tôi thực hiện một động tác yếu ớt, vẫy vẫy cô ấy bằng bàn tay đặt trên vai anh, biểu lộ rằng tôi rất lấy làm tiếc, tôi xin lỗi vì tôi cũng không biết những gì đã xảy ra nữa và tỏ ý rằng cô ấy không cần đợi tôi đâu. Sau đó, tôi quay đầu sang hướng khác, và rồi khi nhìn lại thì cô ấy đã đi khỏi.

Raymond Bolting đưa tôi về nhà còn Harold Simons đưa Lonnie về nhà. Cả bọn chung đường đến tận ngõ rẽ vào nhà Lonnie. Các chàng trai đang tranh luận về khúc côn cầu, môn thể thao mà Lonnie và tôi chẳng rành và không thể góp chuyện. Sau đó, chúng tôi tách thành hai cặp và Raymond vẫn tiếp tục nói với tôi về chính cái đề tài anh đang bàn luận với Harold. Anh dường như không nhận thấy rằng người tiếp chuyện anh - thay vì Harold - bây giờ là tôi. Một đôi lần tôi định nói, “À, mình không biết. Mình có xem trận đó đâu,” nhưng sau một hồi tôi quyết định chỉ nói, “Ừ, hừm,” và hình như chỉ thế thôi cũng là tất cả những gì cần thiết.

Một câu khác mà anh đã nói là, “Mình không hay…nhà bạn lại xa đến thế cơ đấy.”, rồi sụt sịt. Cái lạnh cũng làm tôi hơi khó chịu, chảy nước mũi, muốn hắt xì. Tôi lần tay vào bao đựng kẹo trong túi áo, tìm thấy một miếng giấy thấm từ đời nảo đời nao. Tôi không biết liệu tôi có nên đưa cho anh hay không, nhưng anh khụt khịt dữ quá nên cuối cùng tôi nói: “Mình chỉ còn mỗi miếng giấy thấm này, nó thậm chí… có thể không sạch, nó có thể…dính mực. Nhưng nếu mình đã xé đôi ra thì cả hai đều có một cái gì đó để…” “Cảm ơn,” anh nói. “Mình chắc dùng được mà.”

Đó là một tín hiệu tốt. Tôi nghĩ về cái việc tôi đã làm tại cổng nhà tôi. Khi tôi nói: “Thôi, chúc ngủ ngon,” và sau khi anh nói, “Ồ, ngủ ngon. Tạm biệt,” anh nghiêng người về phía tôi rồi hôn tôi - nhanh và gọn, với điệu bộ của một người chỉ cần nhìn qua là biết rõ việc mình cần làm - nơi khóe môi. Sau đó, anh quay lui, trở lại hướng thị trấn. Anh không bao giờ biết rằng anh đã cứu tôi, rằng anh đã mang tôi từ miền Mary Fortune u tối trở về thế giới bình thường.

Tôi đã đi vòng, tới cửa sau của ngôi nhà tôi đang sống, suy nghĩ mông lung. Tôi đã tham gia một buổi khiêu vũ và một chàng trai đã đưa tôi về nhà và hôn tôi. Tất cả là sự thật. Tôi vẫn còn sống. Cuộc đời tôi vẫn còn nhiều điều có thể và biết bao diệu kỳ còn phía trước. Tôi đã đi qua cửa sổ nhà bếp và tôi trông thấy mẹ tôi.

Mẹ đang ngồi đó, bên lò sưởi, hơ ấm đôi chân trần. Mẹ đang uống trà, tay mẹ cầm tách trà - không thấy một cái đĩa nhỏ. Mẹ đang ngồi và chờ tôi về, chỉ vậy, để nghe tôi kể về mọi chuyện đã xảy ra. Và tôi sẽ không làm điều đó, tôi sẽ không bao giờ kể với mẹ, không thể, mãi mãi không thể. Nhưng khi vào, tôi nhìn thấy bữa tối chuẩn bị sẵn trong nhà bếp, và nhận ra gương mặt ngái ngủ, nhợt nhạt, già nua của mẹ hằn rõ sự nóng ruột bởi đợi chờ, nhận ra dáng vẻ ốm yếu, bóng hình nhạt nhòa của mẹ trong chiếc áo kimono có họa tiết cánh hoa nhàu xơ, bạc thếch thì tôi chợt hiểu được bổn phận lớn lao, trĩu nặng và bí ẩn của mình. Mình phải vui vẻ, phải hạnh phúc. Và chỉ chút xíu nữa thôi là tôi đã thất bại - tôi đã hầu như không làm tròn cái bổn phận nặng nề khó hiểu đó. Và dường như chẳng khi nào tôi thích vậy cả và mẹ không hề biết đâu, bây giờ cũng như sau này.

Tôi sẽ không bao giờ để mẹ biết. Tôi sẽ không làm mẹ thêm lo.

Nguyễn Trung dịch

 

 

 

 

 

*Alice Munro sinh năm 1931.

Truyện ngắn này được công bố năm 1946.



Tác giả bài viết: Nguyễn Trung dịch.

Nguồn tin: Nguyễn Trung gửi cho tanhlinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 78

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 77


Hôm nayHôm nay : 9544

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 794549

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15557571