Tàu ngang Suối Kiết

Thứ năm - 02/04/2015 07:36
Tàu ngang Suối Kiết

Tàu ngang Suối Kiết

Huyện miền núi này ngày tôi về tìm em trời đang mưa lâm thâm. Dãy núi Ong làm một vệt xanh mờ, ở lưng sườn vần vũ quấn dải mây trắng đục. Con đường vào nhà Miên như chị hàng nước chỉ và cũng mường tượng như trong trí nhớ của tôi, trải sỏi đỏ bầm, đó đây những vũng nước mặt váng dầu xe vằn vện. Cứ như chị hàng nước, khi đến ngã tư thứ ba cắt ngang các lô cao su thì rẽ trái. Đi mãi sẽ gặp cái xóm phía tay phải thì hỏi nhà bà Miên. Con đường chạy dài, nhọn tít tắp. Hai bên là những vuông cao su, thẳng cạnh, bạt ngàn. Cây hàng nối tiếp hàng quay dạt sau lưng tôi. Anh xe ôm là em họ của chị bán nước, ngoài Quảng Ngãi vào chơi, rảnh và thấy tôi cần nên làm bậy một cuốc chứ về địa phương này anh còn mù tịt hơn tôi. Đất lành chim đậu. ở huyện này tụ về dân tứ xứ, nhưng nhiều nhất là Quảng Ngãi, rồi thứ đến Quảng Nam… Và nổi bật nhất về quê quán họ là cách phát âm và kiến trúc. Nếu lọt thỏm vào một xóm, làng nào, chỉ nhìn nhà cửa, nghe giọng nói cứ ngỡ là mình đang ở đâu đó trên đất Quảng.


             Huyện miền núi này ngày tôi về tìm em trời đang mưa lâm thâm. Dãy núi Ong làm một vệt xanh mờ, ở lưng sườn vần vũ quấn dải mây trắng đục.

          Con đường vào nhà Miên như chị hàng nước chỉ và cũng mường tượng như trong trí nhớ của tôi, trải sỏi đỏ bầm, đó đây những vũng nước mặt váng dầu xe vằn vện. Cứ như chị hàng nước, khi đến ngã tư thứ ba cắt ngang các lô cao su thì rẽ trái. Đi mãi sẽ gặp cái xóm phía tay phải thì hỏi nhà bà Miên. Con đường chạy dài, nhọn tít tắp. Hai bên là những vuông cao su, thẳng cạnh, bạt ngàn. Cây hàng nối tiếp hàng quay dạt  sau lưng tôi. Anh xe ôm là em họ của chị bán nước, ngoài Quảng Ngãi vào chơi, rảnh và thấy tôi cần nên làm bậy một cuốc chứ về địa phương này anh còn mù tịt hơn tôi. Đất lành chim đậu. ở huyện này tụ về dân tứ xứ, nhưng nhiều nhất là Quảng Ngãi, rồi thứ đến Quảng Nam… Và nổi bật nhất về quê quán họ là cách phát âm và kiến trúc. Nếu lọt thỏm vào một xóm, làng nào, chỉ nhìn nhà cửa, nghe giọng nói cứ ngỡ là mình đang ở đâu đó trên đất Quảng.

            “Cũng mấy năm rồi, chẳng vào xóm trỏng nên tui cũng không gặp bả. Chú cứ vào hỏi bà Miên-Xu là người ta chỉ liền hà !”. “Nhưng… sao lại là… Miên-Xu hả chị ? Liệu có léo lái gì không đấy !”. “Léo lái gì chú ơi… ! Đơn giản bả là đàn bà trước kia chuyên thầu cạo mủ cao su, nên chết tên vậy thôi”. Rồi chẳng hiểu sao chị lại đỏ mặt, mắt liếc sang tôi một cái bén còn hơn dao. “Mà… cái đó càng cao thì càng… xiên hà, chú ơi… !”

           Cứ hỏi bà Miên… Hoá ra mình cũng già rồi. Một ông già hỏi thăm về một bà già! Thoắt cái mà đã hơn một phần ba thế kỷ. Có điều gì đó nghe ngậm ngùi trên con đường ngược về ký ức năm xưa…

*

           Tôi liu thiu trong tiếng tàu chạy “xình xịch… xình xịch… xình xình xình xịch xịch…”. Tiếng bánh sắt rơi xuống chỗ nối các thanh ray làm thành những chuỗi âm thanh. Cứ chuỗi này xa dần thì chuỗi khác tiếp tới. Trong mơ màng muờng tượng, chuỗi tiếng động ấy gần như là bảo tôi “đi học… đi học… lớn rồi còn đi học… !”. Chẳng là sau giải phóng ít lâu, do thèm khát học hành bị gián đoạn bởi chiến tranh, tôi thi vào đại học tổng hợp. Thiếu điểm bị chuyển xuống nguyện vọng hai, học trung cấp chuyên nghiệp cùng những em mới tốt nghiệp Phổ thông lên. Nên cái mặc cảm lớn tuổi luôn đeo đẵng mình khiến bây giờ tiếng đường sắt lại hỏi han ra làm vậy !

           “Đi học… đi học… lớn tuổi… “ tiếng hỏi lơi dần. Mọi người trong toa nhao nhao lên “Ga nào? Ga nào đây ?”. “Ga Suối Kiết !”. “Hồi nãy Sông Dinh thì bây giờ là Suối Kiết !”. Đây là lần đầu tiên tôi đi tàu, nên điểm dừng các ga cũng mù tịt. Toa tàu hỗn độn người, hàng đến mức không thể nào cựa nổi. Hơi người, mùi hàng hoá đủ loại bốc lên ngột ngạt. Đã vậy cứ dừng lại ga là có thêm người lên, hàng lên. Chỗ đầu toa tôi ngồi bị kẹt cứng bởi bên phải là một bà sồn sồn, cứ chốc chốc lại gác cái đùi nặng trịch lên đùi tôi, bên trái là một đống hàng hoá túi lớn túi nhỏ. Chưa hết, trên đầu kệ hàng ắp nắp treo thòng xuống một cái giỏ, theo trớn tàu đi, lại đều đặn dộng vào trán tôi theo kiểu dộng chuông…

             Đất nước vừa mới thống nhất, kinh tế khó khăn cộng với nhu cầu tái thiết, sự đi lại thăm viếng nhiều nên những chuyến tàu như thế này thường là cực kỳ quá tải. Tưởng tượng đoàn tàu như một lô-xích-xông bôi mật, bám theo dày đặc ruồi là ruồi. Cũng không ít những người đi chui bám vắt vẻo trên nóc các toa. Khi tàu qua cầu những người này không cúi tránh kịp, bị các đà sắt đánh vỡ đầu, bạt trán chết lăn xuống đường ray là chuyện bình thường. Chưa kể những cái chết bất thần khác nơi các chỗ nối toa, khi tàu sắp dừng, vừa chạy hay chết do nhảy tàu…

 

             Tàu rời ga Suối Kiết chừng vài phút, chẳng biết bằng cách nào, như có phép lạ, em té ngồi xuống đùi trái tôi cùng lúc với túi hàng. “Xin lỗi, cho em ngồi với !” Em co tay lau mồ hôi trán, vừa nhoẻn nụ cười cầu tài với tôi vừa gom lại những hành lý của mình. Việc “ngăn sông cấm chợ” trước nhu cầu của thị trường tự nhiên, hàng hoá bức bách trong lưu thông nên khiến cho nhiều người trở thành những con buôn vặt vãnh. Em hình như cũng vậy với khá nhiều túi hàng quanh chỗ ngồi của mình. Em khá đẹp. Vẻ đẹp không phấn son, chải chuốt trên chuyến tàu chợ lắm lầm than, dập bầm nên giống như đóa lan rừng nở ra bất ngờ ở nơi hoang dại. Nên càng quyến rũ.

             Em vừa ổn định chỗ ngồi cùng tôi, thì đoàn tàu bỗng phanh dừng đột ngột. “Ga Gia Huynh rồi à?”. “Không phải, lại rút ống hơi cho tàu dừng rồi !” Một hành khách nào đó cất giọng đầy cam chịu. Em vừa tém dẹp hàng hóa của mình tránh cửa sổ toa tàu vừa gấp gáp nói với tôi “Bọn chở gỗ, chở củi thường rút ống hơi đoạn rừng này cho tàu dừng để tống gỗ, củi lên. Anh ngồi tránh cửa sổ ra, chứ không họ “tương” cây vào là nguy hiểm lắm đó !”. Quả thật vậy, chừng mấy giây sau thì gỗ, củi hối hả đưa, phang vào cửa các toa nghe cứ rầm rầm. Tất cả hành khách đều dạt về phía đầu toa, nơi không có cửa sổ tàu. Ai không tránh bị thương ráng chịu. Đây là lâm tặc thứ thiệt nên nếu chết hoặc vỡ đầu, mẻ trán cũng không biết kêu vào đâu. Khoảng vài mươi phút sau, khi nhân viên nhà tàu nối lại được ống hơi, việc chuyển gỗ củi của họ có lẽ cũng đã xong. Đoàn tàu lại kéo còi chuyển bánh. Trong các toa, hành khách cũng dần ổn định lại chỗ ngồi cùng những củi, gỗ ngổn ngang. Bà sồn sồn có cái đùi tạ thì bấy giờ củi gỗ đã làm cho ngồi dạt cách tôi một cái cửa sổ. Còn em, trong tình thế bất đắc dĩ, buộc phải ngồi xoay ngang và gác hai đùi lên chân tôi. Tôi ngượng chín cả người nhưng em thì cứ tỉnh bơ, có lẽ đã quá quen với những chuyến tàu hỗn tạp như thế này.

               Cái thế ngồi bất đắc dĩ ấy đã khiến trong câu chuyện, tôi với em thân nhau khá dễ dàng. Em cho biết mình tên là Miên, có chồng là sĩ quan trong quân đội chế độ Sài Gòn, đi học tập cải tạo lúc em có thai được năm tháng. Giờ con gái em đã gần ba tuổi rồi. Cuộc sống sau giải phóng người khác khó khăn một thì em khó khăn đến mười, bởi ngoài con dại ra, em còn phải nuôi một mẹ già mù lòa trên bảy mươi tuổi nữa. Và tại vì nghèo không có tiền đi thăm nuôi, nên ảnh nghi ngờ sự chung thủy khiến chúng em mới phải chia tay nhau. Miên nói, cũng may nhà ở gần ga Suối Kiết, nên những chuyến tàu đi về là cái kế để em mưu sinh. Tôi nghe hoàn cảnh và tâm sự của em, mà buồn. Và tuy luôn miệng gọi tôi là anh song hóa ra em những hai chín, lớn hơn tôi hai tuổi. Tôi thắc mắc điều này thì Miên bảo “kệ anh là đàn ông mà, em gọi thế cũng đâu có sao. Vả, gọi vậy từ lúc gặp nhau đến giờ cũng quen miệng đi rồi !”.

               Cứ ngồi gác lên đùi nhau nên chúng tôi say sưa chuyện, mặc cho đoàn tàu bị rút ống hơi mấy lần nữa để con buôn chuyển lên hay đưa xuống những thứ hàng gì đấy. Miên đã chỉ cho tôi kỹ càng đường đi nước bước từ ga Suối Kiết đến nhà em gần đó. Chuyến tàu ì ạch mãi rồi cũng đến ga Bình Triệu, Sài Gòn. Giúp em chuyển số hàng hoá ra ga, rồi chúng tôi bịn rịn chia tay.

               Sau đó thì những chuyến về thăm nhà thay vì đi xe đò, tôi thường nhảy theo tàu chợ này và gặp Miên thêm ba lần nữa. Ba lần đó tôi đều chủ động giúp em chuyển hàng lên tàu và ra ga, nhưng tâm sự thì ít hơn lần gặp đầu. Chúng tôi thường im lặng, mắt trong mắt tay trong tay suốt hành trình hoặc cùng nhìn ngắm ra rừng cây, làng xóm trải dài dọc hai bên đường ray tàu.

              Rồi đến kỳ tôi bước vào ôn tập và thi tốt nghiệp, nên ít có thì giờ về thăm nhà để gặp em trên những chuyến tàu “bụi bậm” ấy nữa. Dù có lần lúc cuối năm học tôi đã nhận được của Miên một lá thư gửi theo địa chỉ trường. Nội dung nhắc về những chuyến tàu gặp nhau đầy kỷ niệm và lời lẽ trong thư phảng phất một ít hờn trách, nhớ thương.

               Khi thi tốt nghiệp xong, trong một lần vào thanh toán nốt những việc lặt vặt ở trường cũ, lượt về tôi lại nhảy lên chuyến tàu chợ.

                 Chuyến tàu hơn năm rồi vẫn vậy, ồn ào, hỗn độn, cứ như là cái chợ di động trên những thanh ray.

               Tàu như thường lệ lại ghé ga Suối Kiết, và chẳng biết trục trặc gì mà dừng lại rất lâu. Lúc ấy lại cồn lên nỗi nhớ những lần gặp Miên ở đây, tôi vội xách túi rời tàu.

                 Nắng đã ngả sang chiều.

               Sau khi đi hết những chỉ dẫn của Miên thì lộ ra bên đường túp nhà tranh như em đã dặn. Túp nhà tuy nhỏ, nép bên cây sầu đông, nhưng bề ngoài nhìn khá khang trang sạch sẽ. Tôi bước vào. Miên kêu “á… anh !” lên một tiếng, đánh rơi rá gạo và nhào đến ôm chầm lấy tôi. “Em tưởng mất anh rồi !”. Người mẹ mù loà, như em kể,  quờ tay ra bộ ván hỏi nghe rặt giọng xứ Quảng “Ưa vậy huở, Miên con ?”. “Anh Tâm quen trên tàu mà mấy lần con kể đó mẹ”. “Con chào bác !”. “Ơ… ư, sao chừ mới đến nhoa ? Tội nghiệp dữ hông !”.

                Chúng tôi dìu nhau ra chõng tre trước hiên nhà. Con gái em lủn củn chạy ra. Đôi mắt hạt nhãn của bé trân trân nhìn tôi rồi rụt rè hỏi Miên. “Phải… ba đây hông mẹ?”. Em ý nhị liếc tôi rồi khẽ gật đầu với con.  Biết thế con bé rón rén đến ôm nhẹ lấy đầu gối tôi, rồi gọi nhỏ “Ba!”. “Nó tên Nhẫn à anh”. Tôi bồng bé đặt lên đùi mình và xoa đầu nó “Nhẫn có ngoan không, con mấy tuổi rồi?”. “Dạ ngoan ! Con ba tuổi”. Con bé nói xong, ngả đầu tóc tơ mềm vào tay tôi và mĩm cười rất chi là mãn nguyện.

                 Rồi tôi chơi với con bé trước sân. Em tiếp tục làm cơm chiều sau chái. Làn khói bếp từ mái tranh bay ra vấn vít mãi cùng những tia nắng quái chiều xiên qua tán lá sầu đông bên hông nhà. Cùng với khói bếp, tiếng hát em cũng từ đó bay ra, giọng ngập tràn hạnh phúc. Qua bến nước xưa, lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm  đưa trong nắng lưa thưa… Nay anh về,  qua sân nắng… (*)

               Đêm đó trăng sáng lắm, tôi và em vừa âu yếm nhau vừa ngắm trăng trên chõng trước hiên nhà. Anh trăng chảy qua tầng cây sầu đông xuống chỗ chúng tôi ngồi từng vệt trắng như sữa loãng. Bé Nhẫn đã ngủ ngồi lúc nào trong lòng tôi. Miên khẽ bồng con ra thì nó bỗng thức giấc, la toáng lên “Không! Con ngủ với ba, ngủ với ba !”. Miên dỗ dành “Con vào ngủ với bà. Vậy mà hồi chiều bảo với ba rằng… ngoan !”. Có tiếng mẹ em từ trong bộ ván vọng ra “Nhẫn, vào ni ngủ với ngọa đi con!”. Sau khi sửa soạn giường chiếu xong Miên trở ra. “Mình đi ngủ thôi anh !”. Dưới trăng trông em thật mềm mại, quyến rũ trong bộ đồ ngủ mới vừa thay.

                 Dù Miên đã ý tứ cho con bé ngủ với bà, nhưng rồi chiếc giường vắng đàn ông lâu năm cũng kêu rên dữ quá. Cuối cùng em phải lấy chiếu trải ra dưới nền đất. Nỗi thèm khát từ bốn chuyến tàu gặp nhau trong chay tịnh đã bùng lên. Em trắng còn hơn cả trăng đang dãi ngoài kia và lênh láng tự lúc nào. Chúng tôi lao vào nhau suốt đêm. Gần sáng Miên ngồi dậy vấn tóc và nói xin tôi chiếc áo thun ba lỗ. Em vừa gấp nó lại vừa khe khẽ ngâm trong long lanh nước mắt.

                Nếu mai mốt đường đời muôn cách trở / Anh lâu về con sẽ hỏi ba đâu ? / Em giở áo và thơm theo mùi nhớ / Rằng cha con mãi mãi lỡ ga tầu !

                “Anh đâu phải vậy ? Thơ em hay nhưng buồn quá !”. Miên cười buồn và dí tay vào trán tôi “Này, đừng tưởng mình em là biết làm thơ nhá. Chị đây trước từng là chủ bút báo tường lớp Đệ nhất 3C trường nữ Trưng Vương đấy, chứ tưởng !”. Rồi Miên giật mình “Ay chết, để em đi bắt con gà. Cửa chuồng hư, mờ đất ra nó đi ăn là không bắt được”.

               Sáng đó khi em đi chợ làm cơm để xế tiễn tôi ra ga tàu, tôi ở nhà mổ gà. Rồi mót kiếm mấy cây đinh nơi các cây cột nhà, đóng lại cái cửa chuồng. Làm gì, đi đâu bé Nhẫn cũng cứ lũn đũn, quấn quít theo tôi hỏi, nói đủ thứ chuyện của trẻ con.

                Lúc dọn ăn trưa, Miên đem ra chai rượu thuốc nhỏ. Em đỏ mặt nói “Bà chủ quán cứ chọc em mãi là mua cho ai uống. Mua cúng hổng được sao. Mua cúng sao lại mua rượu thuốc…”. Rồi em kiếm lên cái ca nhựa. “Nhà không có đàn ông nên chẳng có ly uống rượu, anh dùng tạm vậy”. Em cũng uống chung ca cùng tôi mấy ngụm nhỏ.

              Khi tôi và Miên đi mua vé tàu về thì hai bà cháu đã ngủ. Thấy vậy Miên vội khép cửa. Em để ngón tay lên miệng ra hiệu cho tôi, rồi khẽ khàng trải chiếu xuống bên giường. Chúng tôi lại quấn vào nhau. Mãnh liệt nhưng sẽ sàng. Bà ngoại tuy nằm nhưng với mắt người mù, thức ngủ không thể nào biết được. Chúng tôi mê mải cùng nhau cho đến khi có tiếng bà ngoại “Mấy giờ rồi Miên, mi coi chừng trễ tàu thằng Tâm đọ!”. Miên lật đật nhìn đồng hồ. Cũng may nếu mẹ nhắc muộn chút nữa là trễ tàu. Hai đứa hối hả thu dọn. Bé Nhẫn nghe động cũng lục tục ngồi dậy, dụi mắt “Cho con ra tàu với ba, nhen mẹ ?”. Mẹ em đang ngồi ngoáy trầu nơi góc ván. Lúc chào mẹ để ra ga, tôi thoáng nghe bà thở dài nhè nhẹ.

                Khi ba chúng tôi đến ga chừng mươi phút, tàu tới. Miên không nói gì, chỉ rưng rưng nước mắt và nắm chặt tay tôi. Lúc lên tàu, qua cửa toa, thấy Miên bồng lên bé Nhẫn đứng trên sân ga. Hai mẹ con cứ đưa tay hướng về phía tầu đi vẫy mãi.

                  Đoàn tàu đã bỏ lại ga Suối Kiết phía sau.

*

                  “Nhà chị ấy đi Mỹ đã gần năm nay rồi, anh à”.Tôi nghe mà hụt hẫng, bồi hồi. “Còn người mẹ mù của Miên ?”. “Bà ấy thì mất lâu lắm rồi !”. Túp nhà tranh năm xưa giờ là căn nhà gạch cấp bốn. Cửa nẻo cái đóng cái mở như nhà hoang. “Chủ mua định phá nhà đi nên để vậy đó”. Nơi đây nổi tiếng là đất lành, trù phú, sao em lại bán nhà, bỏ đi ? Hay là chồng cũ… “Trẻ cậy cha già cậy con” con gái chị ấy lấy chồng Mỹ, đi theo diện bảo lãnh mà anh”. Cũng ông láng giềng nói.

                  Bên hông nhà cây sầu đông năm nào đang trơ cành rắt những cánh hoa li ti đầy trên mặt sân gạch rộng. Một vạt nắng chiều chiếu hắt qua mảng sân nhuốm những nụ hoa thành màu tím nhạt buồn buồn. Buồn như câu hát dự cảm chiều nào của em, khi lần đầu tiên tôi đến nhà. Nay anh về qua sân nắng… Hình dáng yêu kiều, kề hoa tím. Biết đâu mà tìm…

                  Trên đường về, cạnh lô cao su, nơi một cụm cây của rừng xưa còn sót lại, có mấy tay lá buông cứ vẫy lên, vật xuống mãi theo tôi trong gió chiều đang mùa trở bấc.

                   Chợt có chuyến tàu nào ngang qua ga Suối Kiết, kéo lên một hồi còi dài, tiếng nghe buồn hoang hoải./.

Tác giả bài viết: Lê Nguyên Ngữ

Nguồn tin: tác giả gởi cho tanhlinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 47

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 20920

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 778043

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15541065