Núi rừng Tây Bắc

Thứ hai - 17/03/2014 07:13
Núi rừng Tây Bắc

Núi rừng Tây Bắc

Từ ngày ra Hà Nội bạn bè hay nhất đến hai từ “Tây Bắc” với rất nhiều lôi cuốn, tôi thầm ước ao một ngày nào đó sẽ lên miền Tây Bắc của Tổ quốc để khám phá thêm những điều mới lạ. Tây Bắc có núi đá trùng trùng, mây trôi lang thang ở những vực sâu, ruộng lúa bậc thang trong bức tranh thủy mặc, đặc biệt có diệu múa xòe của đồng bào dân tộc bên những ché rượu cần. Không bỏ qua cơ hội khi nghe được lời mời của một nhóm bạn lớp A119, tôi gật đầu đồng ý ngay không một phút suy nghĩ.


Từ ngày ra Hà Nội bạn bè hay nhất đến hai từ “Tây Bắc” với rất nhiều lôi cuốn, tôi thầm ước ao một ngày nào đó sẽ lên miền Tây Bắc của Tổ quốc để khám phá thêm những điều mới lạ. Tây Bắc có núi đá trùng trùng, mây trôi lang thang ở những vực sâu, ruộng lúa bậc thang trong bức tranh thủy mặc, đặc biệt có diệu múa xòe của đồng bào dân tộc bên những ché rượu cần. Không bỏ qua cơ hội khi nghe được lời mời của một nhóm bạn lớp A119, tôi gật đầu đồng ý ngay không một phút suy nghĩ.

Từ Hà Nội, ngược Quốc lộ 6, Phải hơn hai giờ đồng hồ mới đến được thành phố Hòa Bình. Vượt qua con Dốc Cun, tôi có cảm giác như mình bắt đầu đi vào núi rừng Tây Bắc. “Dốc lên khúc khủy, dốc thăm thẳm”, suốt quãng đường đi hình như đâu đâu cũng là núi cao, là vực sâu, rất hiếm khi có được một mảnh đất bằng; hai bên đường xuất hiện đồi mận, đồi cam; đi thêm một quãng nữa có thêm vườn xoài ra hoa phủ vàng cả một vùng làm cho không gian thêm phần rực rỡ. Trời mưa phùn rỉ rả cứ bám theo chúng tôi, càng lên cao vực càng sâu, núi càng cao, hai tai cứ ù đi vì áp suất thay đổi. Hết Dốc Cun đến đèo Thung Khe, Thung Nhuối nối tiếp nhau, xuất hiện những khúc “cua tay áo” đến chóng mặt. Đến đỉnh đèo Thung Khe, hơn chục "gian hàng" vốn là những chiếc bàn được ghép lại từ những cây gỗ xù xì bày bán mía, rau rừng... chỉ vài thân cây trần trụi làm giá treo những nhánh lan rừng, hoa lạ của bà con dân tộc Mường. Đang đi, bỗng dưng xuất hiện sương mù dày đặc, tầm nhìn xa không quá 10m, chiếc xe phải vừa đi vừa dò đường. Qua khỏi đám sương mù mưa phùn không còn nữa, bỗng nhiên trời trong hẳn, mặt trời xuất hiện, cái nắng vàng ấm áp chứ không gay gắt như ở Miền Nam. Đâu đó trên sườn núi ven đường đã thấy xuất hiện hoa ban; trông xa hoa ban giống như hoa bằng lăng, cũng mọc giữa núi rừng và gần gũi với đời sống đồng bào dân tộc. Đối với tôi, hoa ban vừa gần vừa xa, gần vì hoa hiện lên trong tôi qua những bài thơ, bài văn.., xa vì hoa mọc cách quê hương tôi gần 2 ngàn km. Tôi đã nghe đâu đó câu chuyện về hoa ban của người Thái, chuyện kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn; Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo Mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng. Trong bước đường cùng, nàng Ban trốn gia đình chạy sang bản của Khum cầu cứu, nhưng tiếc thay, Khum lại đang cùng cha đi săn. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có hay biết. Cuối cùng, nàng kiệt sức, gục ngã sau khi vượt qua những dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp những cánh rừng Tây Bắc; người ta đặt tên cho loài hoa ấy là hoa ban. Chàng Khum khi về đến nhà, bắt gặp chiếc khăn Piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, bèn vội đi tìm. Chàng đi mãi, hết nương này, qua núi khác, cuối cùng chàng cũng kiệt sức, ngã xuống. Sau cái chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu thiết tha năm nào.

Mãi ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên, xe xuyên qua một đám mây, ngang qua thị trấn Mai Châu, tôi chợt nghĩ đến nhà Thơ Quang Dũng, đến “đoàn quân không mọc tóc”. Ngày xưa khi học bài “Tây tiến” có tưởng tượng ngàn lần cũng không hình dung ra thị trấn Mai Châu nằm lọt vừa vặn trong một thung lũng sâu thẳm như thế này. Từ trên cao nhìn xuống, thị trấn hiền hòa, bình yên lúc ẩn, lúc hiện qua những đám mây; thấp thoáng cánh đồng lúa bậc thang tựa như được bàn tay của một họa sĩ tài ba khắc họa nên. Phóng tầm nhìn qua bên kia thung lũng là núi đá với vách dựng đứng như những hòn non bộ, chiếc xe lượm ngoằn nghòe, nhìn ra xa cứ ngỡ núi, đồi đang chơi trò trốn tìm trong những đám mây trôi lang thang.
 

Qua khỏi thị trấn Mai Châu, đường đi lúc này bằng phẳng hơn, lát đát có vài ngôi nhà nằm cách xa nhau ở lưng chừng núi. Những ngọn núi chen nhau kéo dài đến vô tận. Có những khoảnh đất được người dân dọn sạch để chuẩn bị cho một mùa ngô mới. Một người bạn Sơn La cho tôi biết, khi thu hoạch ngô xong, người dân dùng dây cáp tời xuống hoặc dùng ống nhựa nối dài đến chân núi, cho ngô chạy vào trong đi xuống.

Đến thị trấn Mộc Châu đoàn chúng tôi đi tham quan đồi chè, vừa bước xuống xe một cảm giác mênh mông, ngút tầm mắt là những đồi chè, xen lẫn với những đồi hoa cải trắng. Ở hà Nội hơn một tháng nay không thấy mặt trời, ở đây được hòa mình vào giữa đất trời bao la cùng nhưng tia nắng ấm chan hòa ai cũng có cảm giác thích thú lân lân khó tả. Những hàng chè xanh mướt trãi dài đến tận bên kia quả đồi được chăm chút bởi bàn tay của những nghệ nhân tạo nên một bức tranh khổng lồ, gợi cho khách tham quan một nỗi nhớ xa xăm.

Sau nhiều vất vả rồi cũng đến thành phố Sơn La. Thành phố Sơn La cách Hà Nội khoảng 302 km về phía Tây Bắc, là thủ phủ của tỉnh Sơn La. Tỉnh Sơn La giáp các tỉnh Yên BáiĐiện BiênLai Châu ở phía Bắc; phía Đông giáp các tỉnh Phú ThọHoà Bình; phía Tây giáp với tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Huaphanh (Lào); phía Tây Nam giáp tỉnh Luangprabang (Lào); có 2 cửa khẩu quốc gia với Lào là Chiềng Khương và Pa Háng; có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sơn La cùng với các tỉnh Hoà BìnhĐiện BiênLai Châu là mái nhà của đồng bằng Bắc Bộ.

Xe đến khu di tích nhà tù Sơn La. Khu di tích nằm giữa lòng thành phố trên ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm la, nơi đây còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà Tù Sơn La - minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải bởi thực dân Pháp giam cầm. Bước vào bên trong cửa hiện ngay trước mắt là cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gắn với tên tuổi người Bí thư Chi bộ kiên trung. Bên trong Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Một người bạn nói với tôi “với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông”.

Buổi tối, theo lời mời của những người bạn cùng học, chúng tôi đến nhà hàng Bó Ban ở bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Tại đây chủ nhà mời chúng tôi những món ăn quê hương như canh bon, canh hoa ban, xôi nướng, ruột bò rán… trên chiếc nhà sàn đặc trưng của vùng Tây Bắc; nghe các điệu dân ca, mở đầu là bài “Sắc xuân Tây Bắc” tiếp theo là “Thấp thoáng đầu non” do các cô gái, chàng trai dân tộc Thái, H’Mông biểu diễn. Với trang phục mang bản sắc dân tộc lạ mắt, kết cấu nhiều màu một cách hài hòa, các cô gái da trắng, má ửng đỏ như những bông hoa giữa núi rừng, gây thiện cảm cho chúng tôi ngay cái nhìn đầu tiên. Chương trình giao lưu ca nhạc giữa khách và chủ diễn ra sôi nổi, lôi cuốn nhiều người cùng tham gia. Kết thúc chương trình với màn múa xòe Sơn La bên ché rượu cần; chúng tôi nắm tay nhau như kết thêm tình đoàn kết giữa chủ và khách, để bước chân mình dập dìu theo bước thiếu nữ Sơn La.

Buổi sáng, trước khi đến nhà máy thủy điện Sơn La chúng tôi ghé vào một quán ăn sáng, các món ăn cũng gần giống như ở Hà Nội nhưng cách phục vụ có khác, trong các quán ăn bao giờ bên ngoài cũng có bàn ngồi uống nước chè và hút thuốc lào. Ngoài đường rất nhiều phụ nữ Thái đội búi tóc rất to, tròn trên đầu, ngộ nghĩnh hơn là trên búi tóc đó gắn thêm một cái nón bảo hiểm; cái nón bảo hiểm chắc là chỉ đội cho đúng luật giao thông chứ không bảo vệ được cái đầu.

Con đường đến nhà máy nằm ở huyện Mường La quanh co, khúc khuỷu; thỉnh thoảng một vài ngôi nhà sàn xuất hiện dọc đường đi. Đứng từ xa, dòng Sông Đà cứ như một con rắn dài uốn mình chen qua những khe núi tạo nên một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Đến nhà máy, một người bạn ở đây hướng dẫn chúng tôi tham quan, và cho biết: Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng năm 2005, hoàn thành năm 2012;  gồm 6 tổ máy với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kW, bằng gần 1/10 sản lượng điện của Việt Nam năm 2012. Hồ chứa nước không giống ở các thủy điện mà tôi từng đến, ở đây Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước (dung tích hồ Thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước).

Buổi trưa chúng tôi vào nhà hàng Sơn La dự đám cưới một người bạn, cách bày trí ở đây khác lạ so với Miền Nam, tông màu được sử dụng nhiều là màu tím và màu trắng, những chiếc bàn hình chữ nhật xếp thành hàng dài, mỗi bàn sáu người ngồi, thức ăn dọn sẳn theo thực đơn gồm 14 món, trong đó có 2 chai rượu “Hang chú” được chưng cất từ men lá của đồng bào dân tộc Mông. Hôn lễ được cử hành xong, khách ẩm thực một cách từ tốn, uống rượu rất hạn chế trong tiếng nhạc nhẹ, không có tiếng cụng ly hô hào, cũng như không có nhạc sống ồn ào trong buổi tiệc, rất ít người bưng ly sang bàn khác mời nhau như ở Miền Nam. Nét đặc trưng ở đây là bắt tay nhau sau mỗi lần uống cạn chén rượu để tăng thêm tình cảm. Buổi tiệc qua nhanh sau khoảng 30 phút, thực khách ra về. mỗi người nhận từ tay cô dâu, chú rễ một têm trầu cánh phượng hoặc một điếu thuốc lá và chúc mừng hạnh phúc đôi bạn.

Buổi tiệc kết thúc chúng tôi lên xe trở về Hà Nội trong cái nắng chói chang, khí trời ấm áp, qua khỏi Phiêng Luông trời lại âm u, sương mù dày đặc che kín cả đường đi, chúng tôi tranh thủ mang những bó rau cải đắng của người Mông, cam Hòa Bình về làm quà. Đoạn đường về xe đi nhanh hơn thì phải, đến Hòa Bình một người bạn mời ở lại, tôi tranh thủ ngắm dòng Sông Đà trong màn sương mỏng, dòng sông lấp lánh dưới ánh đèn của thủy điện Hòa Bình lung linh cả vùng trời, như tô điểm thêm cho Thành phố một nét đẹp huyền ảo.

Chuyến đi đã kết thúc, mỗi người mang về cho mình một chút nét đẹp Sơn La, để túi hành trang trong cuộc đời ngày càng thêm nặng. Tạm biệt Giang, Hùng, Minh, Túc, Hoài, Khởi, Hiếu, Sơn, Việt lớp A119. Hẹn gặp lại trong chuyến đi lần sau.
 

Hà Nội, tháng 3/2014

LTH

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LTH - 27/03/2014 16:59
Dù cho gái Bắc có xinh
Học xong cũng phải một mình về quê
Lẽ nào buông thả đam mê
Gieo thêm thương nhớ, ê chề mà thôi.
HL - 27/03/2014 11:36
Ơi cô gái Bắc sao xinh thế
Chả trách người đi chẳng muốn về?
Hu hu... em nhớ anh roài, nhớ anh hoài. Bjt lam s bj jo ?
Mai Thanh - 26/03/2014 22:09
Mấy cô gái Bắc xinh xinh thế
Chả biết người đi có nhớ về?
Thao Nguyen - 19/03/2014 17:19
Buoc chan cua anh Hung di den dau la co ky su den do. Hi vong anh den Hai Phong que huong em mot chuyen. Xa que em nho que qua!
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 85

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 84


Hôm nayHôm nay : 14943

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 799948

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15562970