Một lần về Kinh Bắc

Thứ hai - 27/01/2014 10:33
Một lần về Kinh Bắc

Một lần về Kinh Bắc

Sau nhiều cố gắng, cùng với lời mời của anh Phong, Ban cán sự lớp quyết định về Bắc Giang một chuyến, nhân tiện lên chợ biên giới mua sắm chuẩn bị Tết nguyên đán luôn. Nghe anh Hải lớp phó triển khai tôi rất khấn khởi, Bắc Giang với tôi như có một cái gì đó rất ruột thịt, thân quen, một nỗi niềm khao khát thân thiện; quả thật từ lâu rồi, trong quá khứ tôi vẫn có một niềm ao ước được nghe hát dân ca Quan họ đất Kinh Bắc; được hiểu nhiều hơn về Bắc Giang, về mấy câu thơ của Tố Hữu “em là con gái Bắc Giang; rét thì mặc rét nước làng em lo…”; nghe Phong giới thiệu buổi tối sẽ giao lưu với các Liền chị, Liền anh làm tôi trông chờ mãi, cứ nghĩ đến mớ ba, mớ bảy…

     Sau nhiều cố gắng, cùng với lời mời của anh Phong, Ban cán sự lớp quyết định về Bắc Giang một chuyến, nhân tiện lên chợ biên giới mua sắm chuẩn bị Tết nguyên đán luôn. Nghe anh Hải lớp phó triển khai tôi rất khấn khởi, Bắc Giang với tôi như có một cái gì đó rất ruột thịt, thân quen, một nỗi niềm khao khát thân thiện; quả thật từ lâu rồi, trong quá khứ tôi vẫn có một niềm ao ước được nghe hát dân ca Quan họ đất Kinh Bắc; được hiểu nhiều hơn về Bắc Giang, về mấy câu thơ của Tố Hữu “em là con gái Bắc Giang; rét thì mặc rét nước làng em lo…”; nghe Phong giới thiệu buổi tối sẽ giao lưu với các Liền chị, Liền anh làm tôi trông chờ mãi, cứ nghĩ đến mớ ba, mớ bảy…

     Phong cùng mấy người bạn đón ở đường vào thành phố Bắc Giang với nụ cười thật tươi, đưa chúng tôi đến khu di tích có cây Dã Hương ngàn năm tuổi cách trung tâm Thành phố Bắc Giang 21km về hướng Bắc. Con đường nhỏ đi lần đầu sao cứ dài thăm thẳm, có lúc tưởng như nhầm qua đất tỉnh Thái Nguyên, sau phút mong chờ rồi cũng đến, trước mắt chúng tôi một cây rất to, nhiều nhánh lớn được chống đỡ bằng trụ bê tông, thân cây khoảng tám người ôm, chiều cao của cây đến ba mươi sáu thước (!) thuộc họ long não, là loại cây quý có thể sống hàng ngàn năm. Người hướng dẫn cho biết, cây Dã Hương xuất hiện như một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ; ngay từ thời vua Lê Cảnh Hưng trong một lần đi vi hành đến xã Tiên Lục thấy một cây rất to, tán rộng phủ cả một góc trời có hương thơm rất nhẹ nhàng dễ chịu, nhà vua không khỏi ngỡ ngàng bèn hỏi các cận thần đây là cây gì và được trả lời đó là cây Dã Hương; nhà vua đã sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây Dã Hương lớn nhất nước). Theo người hướng dẫn nói, mỗi khi có một cành lớn của cây bị gãy đều trùng với một sự kiện lịch sử của đất nước, như vào năm 1945 có cành to bị gãy ở phía đông; năm 1954 có một cành gãy ở phía tây; năm 1964 một cành phía Nam bị gãy xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ; năm 1975 khí trời bình yên bỗng nhiên một cành phía Nam gãy xuống; năm 1979 cành to phía Bắc gãy…

     Rời cây Dã Hương, chúng tôi tiếp tục đi về chùa Vĩnh Nghiêm, tiết trời khô hanh thể hiện rõ trên từng vuông đất đang được cày ải phơi mình chờ đón những giọt nắng hiếm hoi của mùa đông giá rét; đám ruộng rau xanh thẫm lạc lõng giữa cánh đồng còn trơ gốc rạ; mùa xuân cũng đã lộ dần qua nụ đào hé nở dọc theo đường đi; một người bạn chỉ tôi đám tầm xuân, cành hoa dáng thẳng, các bông hoa mọc liên tiếp nhau tạo nên một nét riêng không lẫn lộn với bất cứ loài hoa nào khác. Ở Miền Nam không có hoa đào, còn tầm xuân chỉ có ở xứ lạnh Đà Lạt trồng trong những năm gần đây; giờ này hoa mai cũng bắt đầu được hái lá, hình ảnh cả một trảng mai rừng Tánh Linh nở vàng rực vào nhưng năm 90 cứ chập chờn trước mắt tôi… Mãi ngắm nhìn đất trời, xe đến chùa lúc nào tôi cũng không hay, khác với những gì tưởng tượng, chùa Vĩnh Nghiêm ở đây khác hoàn toàn với chùa Vĩnh Nghiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc cũng na ná như các chùa ngoài này, các tòa ngang, dãy dọc, mái ngói rêu phong cong vút lên ở mỗi góc như minh chứng về thời gian tồn tại của mình, rường cột bằng gỗ lớn tăng thêm phần cổ kính. Trong 3 nếp chùa đều có cửa võng, chạm khắc hoa lá, chim muông, họa tiết tinh vi mềm mại cầu kỳ được sơn son thiếp vàng, trên là các hoành phi đại tự lớn. Bước qua ngạch cửa cao khoảng 50cm của mỗi gian nhà là nơi thờ tự, vị sư thầy hướng dẫn chúng tôi thắp hương lễ phật; tiếng mõ quyện với tiếng kinh cầu, không khí nghiêm trang, thành kính hiện lên trên gương mặt mỗi người. Hành lễ ở chánh điện xong, tôi đi sang các tòa nhà khác, nơi thờ tự rất nhiều nhưng vì không biết nhiều về phật pháp nên chỉ cảm nhận được Trong chùa có rất nhiều tượng pháp, đủ loại tượng: Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ Pháp, tượng La Hán…Trong số những đồ thờ tự ở đây, có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.
 

     Theo bản giới thiệu của chùa thì chùa Vĩnh Nghiêm còn gọi là chùa Đức La. Chùa được dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), có các vị cao tăng tu hành nên chùa lúc nào cũng nguy nga, tráng lệ… Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, đặc biệt quý giá là kho mộc bản gồm 3.050 tấm ván rời, được khắc để in kinh, sách, giới luật Phật giáo. Đây là bộ sưu tập mộc bản duy nhất hiện nay được lưu giữ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Trong khoảng thời gian khá dài từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX, chùa Vĩnh Nghiêm luôn là nơi ấn hành kinh sách Phật quan trọng của Việt Nam. Chùa không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy, mà còn là nơi lưu giữ bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tôi và vài người bạn bước ra ngoài, ngắm nhìn lăng mộ của người xưa; lẩn khuất đâu đó trong khoảng sân chùa rộng thênh bóng dáng tiền nhân, chân không nhẹ bước, lòng người nhẹ tênh.

     Rời chùa Vĩnh Nghiêm, Phong cùng những người bạn làm ở Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang đưa chúng tôi đến nhà hàng Rùa Vàng, ở đây vừa thưởng thức đặc sản ẩm thực Bắc Giang, vừa nghe hát quan họ, giao lưu với các liền anh, liền chị làng quan họ. Một người bạn mới cho biết dân ca Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ; tập trung ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; tên gọi Quan họ Bắc Ninh không có nghĩa tỉnh Bắc Ninh là chủ thể chính của thể loại dân ca này. Tuy nhiên, loại hình dân ca này chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ven Sông Cầu, một ranh giới tự nhiên của hai tỉnh. Quan họ vừa như một làn điệu hội tụ "khí chất" của rất nhiều làn điệu dân ca; cái trong sáng, rộn ràng của chèo; cái thổn thức, mặn mà của hát dặm; cái khoan nhịp, sâu lắng của ca trù; cái khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam bộ. Nhưng trên hết, Quan họ mang "khí chất" của chính Quan họ, là hồn của xứ sở Quan họ, là "đặc sản" tinh thần của Kinh Bắc mà không nơi nào có được.

     Mở đầu cho chương trình là bài “Khách đến chơi nhà” của chị hai, chị ba, cùng mớ ba mớ bảy trong cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ; các liền chị mượn lời bài hát để thể hiện lòng mến khách của những người bạn Bắc Giang; dù tay cầm chén rượu uống liền mấy bận nhưng bên tai vẫn văng vẳng lời ca “Khách đến chơi nhà, rằng mấy khi khách đến chơi nhà, rót lời hát, rót chén trà mời nhau…”. Uh, thì mấy khi lớp A118 này đến Bắc Giang chơi, làm sao quên được những giai điệu sâu lắng trữ tình, ca từ dạt dào tha thiết dễ đi vào lòng người; và trên tất cả, tính nhân văn đằng sau mỗi câu hát là cử chỉ, cách ứng xử thật khéo léo, tế nhị, và mang đầy ý nghĩa. Hai liền chị đến bàn tôi, vừa nâng chén rượu vừa hát “Mỗi khi khách đến chơi nhà; đốt than quạt nước pha trà mời người xơi; trà này quý lắm người ơi; mỗi người một chén cho tôi vui lòng…” làn điệu mời rượu của liền chị làm cho men rượu càng thêm chếnh choáng, mối quan hệ chân tình giữa chủ và khách như đã có từ rất lâu. Chương trình giao lưu với giọng ca của anh Hiền, một giọng ca cổ chính hiệu của dân đồng bằng sông Cửu Long vang lên, làm cả hội trường như lắng xuống, giọng ca lúc trầm lúc bổng như đưa mọi người trở về với miền sông nước thời xa xưa, lời ca kết thúc, cả hội trường ồ lên vỗ tay tán thưởng, những bài hát giao lưu giữa các vùng được tiếp tục mỗi lúc một hấp dẫn hơn…

     Buổi tối kết thúc với chương trình hát karaoke do những người bạn mới đặt trước, phòng hát thật hoành tráng rộng khoảng 120 m2, cách bài trí tựa như phòng yến tiệc của vua chúa ngày xưa; nồng độ cồn trong cơ thể mỗi người lúc này là khá cao nên điệu nhạc êm dịu không còn phù hợp nữa, bài hát sôi động vang lên, cuốn hút những bước khiêu vũ chệch choạc, không chuyên nghiệp, ai cũng buông lõng bản thân mình cả trong suy nghĩ, lẫn hành động, thế là vui.

     Buổi sáng, trước khi rời khỏi Bắc Giang, Phong đưa chúng tôi đến nhà hàng dùng buffet, buffet ở đây tương đối đầy đủ, có cháo trắng dùng với trứng vịt muối, phở bò,…đủ các loại hoa quả, nước uống; có một điều hơi lạ mà nhiều người thắc mắc là ở đây không thấy có sự kiểm soát, thực khách ra vào tự do; đâu đó có câu nói đùa “Bắc Giang là nơi hiếu khách, được chiêu đãi miễn phí là vinh hạnh cho nhà hàng”. Đúng thật, người Bắc Giang rất quý khách, ai đến một lần rồi sẽ còn đọng mãi trong cuộc đời, tiếc cho những người bạn lớp A118 không tham gia trong đợt đi này…

 

Bắc Giang - Hà Nội

tháng 01/2014

Lê Thanh Hưng

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
HL - 28/01/2014 20:41
hihi thích nhỉ, nghe hay phết, 2 liền anh dưới gốc dã hương đẹp giai nhể
Comment addGửi bình luận của bạn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 57

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 55


Hôm nayHôm nay : 26246

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 783369

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15546391